Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát động hưởng ứng chuỗi hành động về bảo vệ môi trường

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/3, Bộ TN&MT đã phát động hưởng ứng ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới và chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2024.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Lễ phát động.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Lễ phát động.

Phát biểu chỉ đạo và phát động ngày Nước thế giới, ngày Khí tượng thế giới và chiến dịch giờ Trái Đất năm 2024, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, nước ta là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, việc chủ động ứng phó là vấn đề cấp thiết.

Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) diễn ra vào thời điểm then chốt về chống biến đổi khí hậu toàn cầu trong đó Việt Nam là một trong những thành viên tích cực. Lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu nói riêng và ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung luôn nhận được quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, tại COP28 vừa qua, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bằng những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, một lần nữa khẳng định khát vọng và tầm nhìn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế.

"Tôi tin rằng, hành động vì khí hậu đóng vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới NetZero, góp phần thực hiện hành trình hợp tác và đổi mới, vượt qua những thách thức và đạt được tầm nhìn chung về một thế giới hòa bình, thịnh vượng, bền vững, kiên cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau" - Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành kêu gọi các bộ, ban, ngành vì tương lai bền vững cần cập nhật, thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quy hoạch nước quốc gia, tích trữ nước và sử dụng nước hiểu quả... nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ tài nguyên môi trường, khơi dậy tinh thần đoàn kết, chia sẻ thông điệp ý nghĩa tới toàn thể cộng đồng xã hội. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dự báo khí tượng thuỷ văn, bảo vệ môi trường.

Ngày Nước thế giới năm 2024 được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề "leveraging water for peace" - "Nước cho hoà bình", tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

"Nước cho hoà bình", tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
"Nước cho hoà bình", tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Trong khí đó, ngày Khí tượng thế giới 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề "At the frontline of climate action" - "Khí tượng thuỷ văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu". Với thiên tai và biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống và trên cả quy mô toàn cầu.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm hoạ thiên tai và biến đổi khí hậu. Mục tiêu Phát triển bền vững số 13 "Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biển đổi khí hậu và các tác động của biến động khí hậu" được Liên Hợp Quốc thông qua và cam kết rằng mục tiêu này là nền tảng hỗ trợ việc thực hiện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững khác.

Cuối cùng, chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề "Reducing Carbon footprint towards Net zero" - "Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero".

Theo TS Văn Ngọc Thịnh - Trưởng đại diện WWF, thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng có những biểu hiện rõ rệt hơn và gây ra những tác động tiêu cực lên đời sống của con người. Bên cạnh những vấn đề như nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nguồn tài nguyên không những là xuất phát điểm của cuộc sống mà còn là môi trường để duy trì sự sống của nhân loại - đó chính là nước ngọt.

"Tất cả chúng ta đều đang phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ, tần xuất ngày một lớn, cộng với tác động của các hiện tượng biến động về thời tiết như Elnino đã, đang góp phần cho các cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn tài nguồn nước ngày một trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi" - TS Văn Ngọc Thịnh nói.

Khi mọi người không được tiếp cận nước một cách bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận nước, thì các xung đột có thể xảy ra giữa các cộng đồng, các địa phương, thậm chí các quốc gia. Để giải quyết được các cuộc khủng hoảng và thách thức mang tính sống còn này thì không còn cách nào khác là sự chung tay hành động và đóng góp của tất cả chúng ta, từ cấp độ quốc gia cho đến mọi người dân trên khắp thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT Nguyễn Minh Khuyến chia sẻ tại Lễ phát động.
Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT Nguyễn Minh Khuyến chia sẻ tại Lễ phát động.

Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT Nguyễn Minh Khuyến cho biết, xây dựng Luật Tài nguyên nước 2023 là cần thiết khi đã quy định nước là tài sản công do Nhà nước quản lý. Được Quốc hội thông qua tháng 11/2023 gồm 10 Chương và 86 Điều, đã tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết được những vấn đề trọng điểm về tài nguyên nước hiện nay và tầm nhìn trong tương lai nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường.

Đây cũng là bước thay đổi rất lớn và kịp thời, bởi hiện nay phần lớn nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước sông quốc tế cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu.

Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm mục đích xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước).

Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số; Đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.