Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện, xử lý kỷ luật 54 người do kê khai tài sản không trung thực

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 13/9, tại phiên họp thứ 26 của UBTV Quốc hội, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng năm 2023, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực chưa tương xứng với thực tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chóng tham nhũng (PCTN0 tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

 

Trong năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 71,6% về số vụ và tăng 161,17% về số đối tượng; đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 1.738 tỷ đồng và 70.950,9 m2 đất; đã thu hồi trên 1.237 tỷ đồng và 28.822,6 m2 đất...

Nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý; nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác PCTN, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Việc phát hiện, xử lý các hành vi nhận hối lộ có chuyển biến mạnh mẽ.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Số liệu cho thấy, các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã khởi tố mới 620 vụ án/1.749 bị can; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 591 vụ/1.640 bị can. Tòa án đã xét xử sơ thẩm 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng...

Cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ cao cấp ở địa phương như ở Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Cao Bằng.... 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế và đều là những hạn chế không mới. Cụ thể như việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có nhiều cải thiện, nhất là ở địa phương; vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm.

 

Trong số 13.093 người được xác minh tài sản thu nhập nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật đối với 54 người do kê khai không trung thực; trong khi đó, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp và dư luận, cử tri cho thấy tình trạng vi phạm việc kê khai diễn ra còn nhiều...

Theo báo cáo, qua kiểm tra đã phát hiện 77 đơn vị vi phạm việc thực hiện công khai, minh bạch. Năm 2023 phát hiện, xử lý 893 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 71,5% so với năm 2022). Một số trường hợp cán bộ, công chức của các cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm các chuẩn mực xử sự về đạo đức công vụ, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ủy ban Tư pháp cũng nhận định, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức…