Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch, phát triển 5 huyện phía Nam Thủ đô

Phát huy nguồn lực từ vùng văn hoá đặc biệt

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 14/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế  - xã hội Hà Nội phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển 5 huyện phía Nam Thủ đô gồm: Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Lợi thế về các loại hình giao thông

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, 5 huyện phía Nam TP có khá nhiều điểm tương đồng như: đất nông nghiệp còn khá nhiều, chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ dân số đô thị còn thấp; nhiều làng nghề đã được công nhận; nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Về tiềm năng phát triển, cả 5 huyện tập trung nhiều loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đều là các tuyến huyết mạch quốc gia (Thường Tín, Phú Xuyên). Đường Vành đai 4 đang xây dựng (Thường Tín, Thanh Oai). Tương lai sẽ có đường hàng không kết nối trong nước và quốc tế (dự kiến sau 2030).

Về phát triển đô thị, có nhiều đô thị mới được quy hoạch hoặc mở rộng như đô thị vệ tinh Phú Xuyên gồm thị trấn Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh, mở rộng thêm 9 xã của Phú Xuyên và 5 xã của Thường Tín. Các thị trấn Vân Đình, Thường Tín, Kim Bài, Đại Nghĩa đều được quy hoạch theo hướng đô thị sinh thái và mở rộng về quy mô. Phía bắc Thanh Oai, dọc đường Cienco 5 đã hình thành nhiều khu đô thị mới. Một số huyện được định hướng phát triển lên quận.

Tạo những vùng hàng hóa tập trung lớn

Từ lợi thế, tiềm năng đơn vị tư vấn đề xuất định hướng phát triển các lĩnh vực tại khu vực 5 huyện giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo ra những vùng hàng hóa tập trung lớn. Ưu tiên phát triển rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả. Chăn nuôi tập trung. Hình thành các vành đai xanh, sinh thái và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực công nghiệp phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm. Hình thành các khu công nghệ cao, khu cụm công nghệ. Phía Nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên khoảng 1.500 ha ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sinh học, chế biến nông sản công nghệ hiện đại; phát triển công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô)… Tại các thị trấn khoảng 1.400 - 1.500 ha ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao… Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở sản xuất làng nghề.

Lĩnh vực thương mại và du lịch dịch vụ, sẽ xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Thường Tín và dọc tuyến đường Vành đai 4. Tại những đô thị vệ tinh và các thị trấn xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ …

Tại khu vực nông thôn cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống; phát triển mở rộng chợ đầu mối thu mua nông sản, trung tâm mua sắm - thương mại dịch vụ tổng hợp. Khu vực đầu mối giao thông hình thành 2 khu dịch vụ, phân phối, trung chuyển hàng hóa tại Sóc Sơn và Phú Xuyên. Xây dựng chợ đầu mối nông sản cấp vùng (20 - 30 ha/chợ) tại 5 khu vực.

Hình thành khu du lịch thắng cảnh, văn hóa tâm linh Hương Sơn. Hình thành cụm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề Hà Đông - Quan Sơn - Hương Sơn. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề. Phát triển du lịch đường thủy trên các sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích.

Sơ đồ minh họa định hướng phát triển giao thông tại 5 huyện phía Nam Thủ đô.
Sơ đồ minh họa định hướng phát triển giao thông tại 5 huyện phía Nam Thủ đô.

Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm như cao tốc Tây Bắc - QL5; xây dựng mới và cải tạo đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2; hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4 và 5; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm QL1A, QL6, QL21B... Xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam. Xây dựng mới đường sắt vành đai dọc theo Vành đai 4 gắn với hệ thống ga đầu mối như ga Ngọc Hồi, ga Tây Hà Nội.

Hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá

Góp ý vào phương án quy hoạch, Bí thư huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị đơn vị tư vấn cần học tập các mô hình quy hoạch tốt trên thế giới, chuyển từ quy hoạch hướng tâm và vành đai sang quy hoạch ô bàn cờ, trong đó tuyến đường hai bờ sông Hồng làm trục trung tâm, xây dựng đồng bộ, kéo dài từ các quận trung tâm đến các huyện.

Bên cạnh đó lãnh đạo huyện Thường Tín đề nghị TP báo cáo TƯ đặt điểm mốc km0 của Thủ đô tại khu vực quảng trường Ba Đình, đối diện tòa nhà Quốc hội. Công nghiệp văn hóa bắt đầu từ khu vực này, phục dựng văn hóa Hoàng Thành thời nhà Trần làm điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Đối với giao thông, quy hoạch đường sắt đô thị kết hợp mật thiết với hệ thống đường bộ, tạo hình thái ô bàn cờ để làm tốt mô hình TOD, kết hợp với khai thác không gian ngầm. TP nên kiến nghị TƯ cho triển khai tuyến đường sắt đô thị Ngọc Ngồi –Yên Viên vì đã có hai nhà ga đầu cuối. Về cảng đường sông, đề nghị đơn vị tư vấn đề xuất nâng công suất cảng Hồng Vân lên 2,5 triệu tấn/năm để phối hợp đồng bộ với vận tải logictic khu vực Vành đai 4, tuyến đường sắt Bắc Nam, ga Ngọc Hồi.

Về lĩnh vực môi trường cần có giải pháp làm sống lại các dòng sông Nhuệ, Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu bằng cách làm hệ thống  cống ngầm chạy song song để thoát nước thải. Cửa các cống ngầm này nên đặt tại nam cống Đông Quan, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, kết với xây dựng với nhà máy xử lý nước thải tại khu vực này.

Đối với khu vực đất bãi sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, lãnh đạo huyện đề xuất quy hoạch tạo điều kiệ phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, hình thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, thể dục thể thao, làm sân golf, khôi phục truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử, kết hợp với Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh truyền thống khoa bảng đất danh hương, anh hùng.

Sơ đồ vị trí 5 huyện.
Sơ đồ vị trí 5 huyện.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường góp ý, trong lĩnh vực nông nghiệp Thủ đô chỉ nên phát triển nông nghiệp công nghệ cao tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất cây, con giống và một số sản phẩm chủ lực. Còn lại phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, tạo cảnh quan không gian xanh, đa giá trị, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bố trí hài hòa, xen kẽ hài hòa diện tích đất nông nghiệp với các khu vực chức năng khác như đô thị, công nghiệp… của Thủ đô tạo sự cân đối không gian cảnh quan. Có lộ trình tiến tới chấm dứt chăn nuôi trong khu dân cư. Tập trung quy hoạch các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến, tạo chuỗi giá trị. Nông nghiệp gắn với phát huy giá trị văn hóa vùng miền… Đặc biệt quan  tâm đến nội dung tổ chức không gian lãnh thổ dân cư nông thôn nhằm gìn  giữ được bản sắc văn hóa nông thôn quý giá.

Nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của khía cạnh văn hoá, trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nêu lại, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành một Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 09-NQ/TU đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp đó, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ một trong những quan điểm, mục tiêu là kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra quan điểm di sản văn hoá chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực vô cùng to lớn có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Do đó, từ những nội dung được nêu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các huyện cùng đơn vị tư vấn chú trọng làm rõ các luận chứng vì sao phải ưu tiên phát triển cho vùng văn hoá đặc biệt này, qua đó toát lên những ý tưởng mới, những khát vọng lớn hơn để phát huy tốt nhất nguồn lực của Thủ đô trong Quy hoạch.