Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt tiền học sinh vì nghỉ học phụ đạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh nghỉ học một buổi phụ đạo phải đóng phạt 100 ngàn đồng, sử dụng điện thoại trong lớp bị phạt 50.000 đồng. Ngoài ra nếu học sinh nào không có tiền đóng phạt thì phải chấp nhận chịu đánh với giá 10.000 đồng/gậy.

Đó là hình thức phạt học sinh của hai thầy giáo Trần Văn Thiện -chủ nhiệm lớp 12A8 và thầy Vũ Văn Hiến -chủ nhiệm lớp 12A1 (cả hai đều dạy môn toán) trường Tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học phổ thông (TH – THCS - THPT) Ngô Thời Nhiệm, tỉnh Bình Dương.

Không có tiền đóng phạt thì ăn đòn

Theo học sinh hai lớp trên phản ánh thì quy định trên được thầy Hiến áp dụng từ tháng 10/2014. Sau đó tới ngày 28/2/2015, thầy Thiện cũng áp dụng hình thức phạt trên.

Em N.H.N, học sinh lớp 12A8 kể lại, trong hai ngày 2 và 3/3, do có việc riêng nên em đã nghỉ học 2 buổi phụ đạo môn Toán và môn Văn (được nhà trường tổ chức dạy từ 16h30 tới 18h45). Sau đó, sáng ngày 4/3 thầy Thiện chủ nhiệm lớp đã bắt em đóng phạt 200.000 đồng, tương đương với hai buổi nghỉ học.

Cũng nghỉ một buổi học phụ đạo, học sinh P.T.H bị thầy Thiện phạt 100.000 đồng. “Bọn em biết nghỉ học là sai nhưng phạt tiền thì hơi nặng vì chúng em đi học nội trú được bố mẹ cho mỗi tuần 200.000đồng để mua vật dụng vệ sinh cá nhân làm gì có tiền”, N nói.

Trong khi đó, học sinh N.T.D cũng lớp 12A8, do không có tiền nộp phạt nên bị thầy Thiện quy từ tiền ra đòn, cứ 10.000 đồng tương đương với 1 đòn đánh bằng thước gỗ. Ngoài những trường hợp trên, nhiều học sinh của hai lớp 12A1 và 12A8 cũng nhận hình thức kỷ luật này nếu nghỉ học không có lý do.

 
Học sinh của trường TH- THCS- THPT Ngô Thời Nhiệm bị phạt tiền nếu nghỉ học phụ đạo
Học sinh của trường TH- THCS- THPT Ngô Thời Nhiệm bị phạt tiền nếu nghỉ học phụ đạo
Ngoài phạt nghỉ học bằng tiền, học sinh của hai lớp còn bị thầy phạt khi bắt được dùng điện thoại trong giờ học với “giá” mỗi lần bắt phạt là 50.000 đồng, sau đó cuối buổi học trả lại cho học sinh tiếp tục dùng. “Số tiền phạt trên được thầy cho vào con heo đất rồi bỏ vào học tủ khóa lại”, em B, học sinh lớp 12A8 cho biết.

Phạt do học sinh và phụ huynh yêu cầu!?

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi tìm tới trường Ngô Thời Nhiệm gặp Ban giám hiệu nhà trường cùng hai thầy chủ nhiệm lớp 12A8 và 12A1. Tại buổi làm việc, cả hai thầy Thiện và Hiến đều thừa nhận đã áp dụng hai hình thức kỷ luật trên với học sinh trong lớp.

Theo thầy Trần Văn Thiện, chủ nhiệm lớp 12A8, hình thức kỷ luật phạt tiền nếu học sinh nghỉ học được áp dụng từ ngày 28/2, cũng như khi học sinh bị phạt thì thầy Thiện sẽ gọi điện báo với gia đình và hình phạt trên được gia đình và học sinh yêu cầu ?! Nhưng khi được hỏi có báo với phụ huynh học sinh hình phạt tiền hay quy ra đánh gậy hay không thì cả hai thầy đều cho biết là không thông báo.

“Từ hôm tôi áp dụng hình phạt thì đã có 3- 4 học sinh bị phạt tiền và 1 học sinh bị đánh thay vì nộp phạt”, thầy Thiện cho biết tại buổi làm việc. 

Giải thích về lý do áp dụng hình thức xử phạt trên đối với học sinh, thầy Hiến cho rằng xuất phát từ đề nghị của chính học sinh vì muốn lớp học đi lên. “Chúng tôi thừa nhận hình thức kỷ luật này là sai, tuy nhiên, mục đích cũng là muốn răn đe các em học sinh, giúp các em chú tâm học tập để có kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Còn về số tiền, chúng tôi dùng để nuôi heo đất, làm phần thưởng và liên hoan cho chính các em học sinh”, thầy Hiến nói.

Ngoài ra, hai thầy còn áp dụng hình phạt tiền với việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, thay vì quy định của nhà trường là tịch thu điện thoại của học sinh rồi bàn giao cho phụ huynh, số tiền phạt trên được hai thầy giải thích để cuối năm liên hoan lớp và trao thưởng cho học sinh đạt học sinh giỏi.

“Sau khi áp dụng hình phạt thì cuối năm vừa rồi, tôi cùng lớp đập heo ra và thu được hơn 3 triệu đồng, trong đó có 3 em được tặng thưởng học sinh giỏi mỗi em 200.000 đồng, tôi thưởng mỗi em bằng tiền 50.000 đồng được nộp vào heo”, thầy Hiến cho biết.

Cũng tại buổi làm việc có một phụ nữ giới thiệu là phụ huynh của một học sinh lớp 12A8 tên Trần Thanh Thúy, chị Thúy cho biết mình đồng tình với hình phạt trên của các thầy vì theo chị, trường Ngô Thời Nhiệm là trường dạy nội trú, học sinh được gia đình gửi vào đây học có cho tiền các em chi tiêu, do các em đã lớn, mà mỗi lần mắc lỗi thầy bắt đứng trước cột cờ hay bị đánh đòn sợ các em sẽ xấu hổ với bạn bè.  Hình phạt này để các em tiếc tiền đóng phạt mà không vi phạm. 

Thế nhưng khi được hỏi con chị Thúy học nội trú, hay bán trú, chị có biết nếu không đóng tiền phạt thì học sinh phải chịu đòn đánh thay tiền hay không, và với hình thức này thì sau này học sinh sẽ nghĩ có tiền là mua được tất cả hay không? Chị Thúy  cho biết con mình học bán trú, và không biết hình phạt đòn thay tiền mà hai thầy áp dụng cũng như chỉ muốn con em khi bị mất tiền nên tiếc mà ngoan, chịu học chứ không nghĩ gì khác.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duật Tu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc làm của hai thầy Thiện và thầy Hiến là hoàn toàn sai về quy định, nội quy của nhà trường lẫn nguyên tắc trong giáo dục. “Chúng tôi sẽ họp Ban kỷ luật để nhắc nhở hai giáo viên trên, đồng thời đích thân tôi sẽ đến lớp 12A1 và 12A8 để xin lỗi các em học sinh và phụ huynh”, ông Tu nói.

Còn bà Phạm Thị Thúy Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của trường cho biết: Có rất nhiều phụ huynh và học sinh từng yêu cầu tôi thay các hình thức kỷ luật bằng việc phạt tiền nhưng tôi không đồng ý vì quy định của nhà trường không cho phép điều đó.