Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt vi phạm nồng độ cồn, cần thượng tôn pháp luật

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Gần đây, câu chuyện "Bác thợ nề say xỉn" được đặc cách không đo nồng độ cồn kèm với băng hình video lan truyền rộng khắp với những sự hài hước đã dấy lên dư luận nhiều chiều.

Điều đáng nói, không chỉ mạng xã hội, báo chí chính thống cũng đăng tải video nói trên: có nghĩa là việc “đặc cách không đo nồng độ cồn” dường như được tán thưởng.

Chuyện là, một bác thợ nề ở một tỉnh miền Trung, sau buổi làm được chủ nhà đãi cơm rượu. Bác uống rượu nhiều đến nỗi say khướt, dù chỗ uống gần nhà nhưng không nhớ đường về nhà. Khi gặp tổ công an đo nồng độ cồn, bác trình bày mình là thợ nề và đưa cái túi đựng đồ nghề ra chứng minh. Bác nói rằng, bác đã đi lại mấy vòng tìm đường về nhà nhưng vẫn quay về nơi cũ “như bị ma ám”.

Tổ công tác thấy tình hình bác thợ nề say không tìm được đường về nhà đã mượn điện thoại của bác gọi cho vợ bác ra đón về.

Hình ảnh bác thợ nề trong cơn say nhưng vẫn chất phác khai báo khiến dân mạng xem video không thể nhịn cười. Điều đáng nói, sau đó lãnh đạo của tổ công tác đã lý giải việc cần “đặc cách" cho bác thợ nề không phải đo nồng độ cồn là thể hiện “tính nhân văn”, nếu đo sẽ có mức phạt khoảng 7 - 8 triệu đồng trong khi bác này khó khăn về kinh tế…

Lý giải trên được rất nhiều người hoan nghênh, bởi xem ra bác thợ nề là dân lao động thu nhập không khá giả gì; lúc uống rượu say bác khai báo thật thà, không chống đối người thi hành công vụ… Nhiều người cũng nghĩ rằng, phạt hay không phạt vi phạm nồng độ cồn rốt cuộc là giúp người vi phạm hiểu rõ chuyện mình đã vi phạm và không tái phạm, nên cần “uyển chuyển”, ‘khéo léo” và cao hơn nữa là “nhân văn”…

Tuy nhiên, trước sự việc trên, dư luận không chỉ có một chiều khen, tán thưởng.

Một bạn đọc viết: “Pháp luật là phải công bằng, không thể dựa vào ý kiến chủ quan của ai. Luật hình sự vẫn có khoan hồng nhưng khoan hồng trên cơ sở pháp luật chứ không phải dựa trên cảm tính. Bây giờ ông thấy người này đáng thương nên không đo rồi mai mốt thuộc cấp cũng thấy người khác "đáng thương" nên cũng bỏ qua vậy thì nói thế nào?”.

Một bạn đọc khác cảm thán: “Em tôi cũng bị ép hớp 2 cái (không tới nửa ly bia ) do đối tác mời, bị đo 3 lần cho ra đủ nồng độ để phạt 2,5 triệu đồng, giam xe 10 ngày, giam bằng 11 tháng. Có hợp lý không?”.

Rất nhiều ý kiến khác nữa. Điều quan trọng là, khi xây dựng luật, Nhà nước, cụ thể là các cơ quan chức năng, đã lường trước các vấn đề, trong đó có cả câu chuyện lý và tình. Nhưng khi luật đã ban hành, tất cả công dân đều phải chịu sự điều chỉnh của luật và hành xử theo luật, có nghĩa là phải: thượng tôn pháp luật.

Trong trường hợp đo và phạt vi phạm nồng độ cồn (việc làm lâu nay được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh vì tính nghiêm minh và hiệu quả của nó) nếu du di “đặc cách” sẽ tạo tiền lệ không tốt.

Trên thực tế, các tỉnh, thành trong cả nước có bao nhiêu hoàn cảnh tương tự như bác thợ nề nói trên? Đó là chưa nói, khi đặc cách cho ai đó uống rượu say nhưng “thật thà”, “khó khăn”, chúng ta có công bằng với người lao động khác, với người tham gia giao không khác, nhất là khi người say không may gây tai nạn?