|
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi |
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, đây là một sự kiện lớn của giới báo chí cả nước, nhằm tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất, có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, nội dung và hình thức thể hiện.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chất lượng các tác phẩm dự thi Giải báo chí Quốc gia lần thứ XII, cũng như những điểm đặc biệt của giải năm nay?- Đây là mùa Giải báo chí Quốc gia có số lượng đơn vị tham gia nhiều nhất từ trước đến nay (118 cấp Hội và 37 cá nhân tham dự) và số tác phẩm gửi về nhiều nhất (1.734 tác phẩm). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tất cả 63 Hội Nhà báo của các tỉnh, TP đều gửi tác phẩm tham dự.
Chất lượng các tác phẩm dự thi Giải báo chí năm nay khá đồng đều, đã thể hiện bản lĩnh chính trị, lao động sáng tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng của tác giả, nhóm tác giả. Mùa giải năm nay cũng cho thấy rõ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giữa cơ quan báo chí T.Ư và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp. Ở thể loại nào cũng có tác phẩm nổi trội và có cả ở cơ quan báo chí T.Ư và địa phương. Các tác phẩm đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, lĩnh vực đời sống xã hội và phản ánh một cách toàn diện, sống động. Trong đó, thể hiện tinh thần khởi nghiệp và xây dựng Chính phủ kiến tạo trong cách mạng 4.0 để huy động mọi nguồn lực phát triển của đất nước. Phản ánh thành tựu đối ngoại nổi bật và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm thể hiện xuất sắc cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Đảng, Nhà nước.
Như ông vừa nói, báo chí địa phương đã có những bước tiến đáng kể?- Đúng vậy! Những năm trước, rất hiếm khi các cơ quan báo chí địa phương có giải cao, vài năm gần đây mới có. Năm nay tuy không có giải A nhưng số lượng tác phẩm đạt giải chính thức của cơ quan báo chí địa phương khá nhiều. Điều đó cho thấy sự vươn lên về mặt nghiệp vụ của báo chí địa phương.
|
Các tác giả tại Lễ trao giải - Giải báo chí Quốc gia lần thứ XI năm 2016. Ảnh: Ngô Thiêm |
Tuy nhiên, nhiều người cũng sẽ đặt dấu hỏi vì sao báo chí địa phương lại ít được giải cao như thế, thưa ông?- Đối với Hội đồng Giải báo chí từ Sơ khảo đến Chung khảo, bao giờ chất lượng cũng được đặt lên hàng đầu. Chất lượng quyết định sức sống và uy tín của Giải báo chí Quốc gia. Đây là điều bất di bất dịch, không có nhân nhượng và không có chiếu cố.
Hội đồng Chung khảo gồm 41 thành viên đều là những người có uy tín về nghề nghiệp, chấm khách quan, công tâm nên bao giờ việc thẩm định và đánh giá chất lượng chính xác.
Đối với báo chí địa phương, tính phát hiện vấn đề chưa cao, tính phản biện và tính chiến đấu chưa được thật mạnh và rõ như ở báo chí T.Ư. Các tác phẩm báo chí T.Ư thông thường đề cập đến những vấn đề có tầm vóc và có chiều sâu, đưa đến những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, Hội đồng bao giờ cũng xem xét trong phạm vi của báo địa phương, chứ không bao giờ yêu cầu báo chí địa phương phải đạt tới độ bao phủ và ảnh hưởng như báo chí T.Ư. Nhưng cho dù thế thì khách quan mà nói, các tác phẩm báo chí địa phương vẫn còn có những hạn chế. Chính các nhà báo địa phương phải tự tìm nguyên do trong điều kiện thực tế của địa phương để khắc phục.
Ông nhận định thế nào trước ý kiến cho rằng, những tác phẩm đoạt giải cao chủ yếu vẫn thuộc về các cơ quan báo chí lớn bởi sự “hùng mạnh” về con người và tiềm lực tài chính.
Ông có suy nghĩ gì để tạo “sân chơi” bình đẳng, mở cơ hội nhiều hơn cho các cơ quan báo chí nhỏ hơn?- Sân chơi như Giải báo chí Quốc gia hiện nay đang là một sân chơi bình đẳng và chính chất lượng tác phẩm thể hiện sự bình đẳng ấy. Tác phẩm báo chí nào có chất lượng tốt, bao giờ cũng được khẳng định, đánh giá cao và đặt đúng vị trí. Bình đẳng ở đây không có nghĩa là cào bằng, là chiếu cố. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn đến một lúc nào đó, với sự vươn lên không ngừng của báo chí địa phương, sẽ có ngày càng thêm nhiều tác phẩm báo chí của cơ quan báo chí địa phương đạt giải cao. Như thế chúng ta sẽ thấy một nền báo chí phát triển rất toàn diện, đồng đều.
|
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại đảo Đá Tây A (thuộc quần đảo Trường Sa). Ảnh: Quỳnh Hoa |
Ông có suy nghĩ thế nào về việc ít có sự xuất hiện trong vòng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia của tác phẩm đơn của một tác giả từ nhiều năm nay?- Đây là vấn đề từ nhiều năm nay mà Hội đồng Giải báo chí Quốc gia rất quan tâm. Cho dù quan tâm như thế, nhưng rất ít các tác giả đứng một mình được giải cao hay rất ít tác phẩm đơn được giải cao. Thông thường giải cao gần đây của nhóm tác giả và loạt bài. Dù là loạt bài hay bài đơn thì chất lượng tác phẩm, sức thuyết phục của tác phẩm vẫn là số một. Mà sức thuyết phục của tác phẩm không phụ thuộc vào chuyện bài đơn hay loạt bài mà phụ thuộc vào tài năng của người viết.
Trong lịch sử của Giải báo chí Toàn quốc trước kia và đến nay là Giải báo chí Quốc gia, trên thực tế đã có những bài đơn, cá nhân tác giả đạt giải cao nhất. Thông thường những tác phẩm đơn được giải cao thì chứng tỏ đây thật sự là những tác phẩm xuất sắc, còn loạt bài thì đôi khi phải bài này “đỡ” bài kia để người ta nhìn một cách toàn diện. Còn bài đơn mà đã đoạt giải thì sức thuyết phục của nó đối với Hội đồng rất cao, sức lay động đến xã hội cũng rất mạnh. Tôi thiên về hướng muốn có nhiều tác phẩm đơn hơn nữa, cá nhân tác giả nhiều hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!