Hôm nay (27/12), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành nội vụ, do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chủ trì. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thay mặt lãnh đạo Bộ cho hay, ngay từ những ngày đầu năm 2019, với quyết tâm chính trị cao, Bộ đã đề ra phương châm hành động của năm là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng CNTT”. Theo đó, toàn ngành đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được Bộ luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cần tập trung thực hiện; các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tiến độ và chất lượng. Việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương bước đầu đạt kết quả tích cực; chính sách tinh giản biên chế (TGBC) bước đầu góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm nguồn chi trả ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Các địa phương cũng đã tích cực, chủ động rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã đúng tiến độ. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong đó đáng chú ý, năm 2019, số người làm việc trong các ĐVSNCL hưởng lương từ NSNN giảm so với năm 2015 (khối Chính phủ quản lý) tại 63/63 địa phương giảm 4,26%; tại 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ giảm 11,85%. Từ năm 2015 đến ngày 20/12/2019, đã thực hiện TGBC 50.547 người. Bộ Nội vụ cũng đã tập trung hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số. Đến ngày 25/12/2019, Bộ nhận được hồ sơ đề án của 42/45 địa phương, đã tổ chức thẩm định đề án của 40 địa phương; đã trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương; UBTV Quốc hội đã thông qua 21 địa phương. Dự kiến sau khi sắp xếp giảm 6/713 ĐVHC cấp huyện, 560/11.160 ĐVHC cấp xã.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo một số địa phương, đơn vị tham luận về kết quả thực hiện và đề xuất kiến nghị về công tác ngành nội vụ tại địa phương, đơn vị như TP Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng; tỉnh Cà Mau, Tuyên Quang, Cao Bằng; các Bộ GD&ĐT, Ban Tôn giáo Chính phủ…
Để ghi nhận những thành tích đã đạt được trong năm 2019, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 11 cá nhân trong việc tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc năm 2019; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Cờ thi đua cấp Bộ, Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ngành nội vụ.
Biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ, ngành nội vụ trong năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhấn ạnh: Với năm 2020 và giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của Bộ, ngành nội vụ ngày càng nặng nề, tính chất và khối lượng công việc ngày càng lớn, nên đề nghị tập thể lãnh đạo Bộ phát huy dân chủ, đoàn kết, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, ngành cần tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, rà soát sửa đổi bổ sung các văn bản QPPL, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành nội vụ được phân công, phấn đấu xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất. Trước mắt, Bộ Nội vụ cần kịp thời tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật CBCC và Luật VC; khẩn trương hoàn thiện dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên, Luật Thi đua-Khen thưởng, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Đồng thời, ngành cần khẩn trương triển khai công việc để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021; nghiên cứu, đề xuất xây dựng tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan ngành dọc của T.Ư đảm bảo tinh gọn, hợp lý; kiên quyết thực hiện TGBC các cơ quan nhà nước theo kế hoạch, nghiên cứu chế độ hợp đồng với viên chức các ĐVSNCL.
Đặc biệt, đồng chí đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý CCVC bảo đảm đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật; rà soát những vướng mắc trong công tác tuyển dụng, sử dụng, thi nâng ngạch quản lý CCVC để có giải pháp khắc phục. “Cần lấy kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao để đánh giá CBCCVC và lấy kết quả này làm cơ sở đề bạt, bổ nhiệm, TGBC… đảm bảo khách quan, công tâm, công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ CBCCVC có năng lực, có trình độ và có động lực để cống hiến”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ phát huy vai trò cơ quan thường trực về CCHC tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm tốt tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn triển khai, tăng cường theo dõi, đánh giá CCHC; phối hợp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, DN, tạo bước đột phá giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả thông suốt từ T.Ư đến địa phương. Tiếp tục rà soát, tiến hành đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp chủ trương TGBC, bộ máy; đề xuất sắp xếp lại hoặc giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành không hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ; đề xuất mô hình nhất thể hóa các chức danh đồng cấp, đảm bảo cơ cấu CBCC tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, TGBC.
Riêng Bộ Nội vụ cần gương mẫu rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ để sắp xếp phù hợp yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, TGBC theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; xem xét kỹ chức năng, nhiệm vụ từng cơ sở đào tạo để sắp xếp lại tránh chồng chéo; khẩn trương sắp xếp lại các đơn vị đào tạo của Bộ theo hướng thu gọn, hợp lý các đơn vị đầu mối trực thuộc. Bộ cũng cần chủ động tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; trong đó chú ý tham mưu cơ chế, chính sách với cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp, bảo đảm hợp tình, hợp lý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị toàn ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường đối thoại, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo, vận động các phong trào xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, chăm lo phát triển KT-XH nâng cao đời sống của đồng bào có đạo. Tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác văn thư-lưu trữ; bảo quản kho lưu trữ khoa học, hiện đại… Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC theo đúng tinh thần Nghị định 101; phát huy tối đa vai trò của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trong bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực cho khối các cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII tại Bộ Nội vụ phải gắn chặt với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, trách nhiệm người đứng đầu…