Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị với các tỉnh Tây Nam Bộ

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Địa phương nào quan tâm, lãnh đạo nào tâm quyết trách nhiệm với 4 vấn đề trao đổi tại hội nghị, thì nơi đó tình hình tốt hơn."

Chiều 28/6, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; phân giới cắm mốc; phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị  với các tỉnh Tây Nam Bộ. Ảnh Hồng Thắm 
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị  với các tỉnh Tây Nam Bộ. Ảnh Hồng Thắm 

Hội nghị nhằm trao đổi, xác định và tìm ra giải pháp khắc phục về những tồn tại, hạn chế, nhất là những vướng mắc về cơ chế, chính sách; công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU. Đồng thời, Hội nghị sẽ đánh giá tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người; công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; công tác cai nghiện và quản lý sau cai. 

Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đến nay đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ bị cảnh báo thẻ vàng, hiện đã có 14 nước gỡ được thẻ vàng. Trong số 14 nước còn lại, có 5 nước bị nâng mức cảnh báo lên thẻ đỏ, còn 9 nước đang thẻ vàng (có Việt Nam). 

Từ tháng 10/2022 đến nay, Việt Nam có 27 tàu, với 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Riêng 6 tháng đầu năm nay có 14 tàu với 84 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Nếu quyết liệt từ nay đến tháng 10/2023 (khi EC qua kiểm tra) không có trường hợp nào vi phạm, tương đối ổn định thì sẽ có cơ hội trao đổi, hướng tới xem xét gỡ thẻ vàng.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, các nước gỡ thẻ vàng mất thời gian từ 9 đến 56 tháng. Công tác khắc phục thẻ vàng IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, chưa quản lý được hết các đội tàu, công tác đăng ký, đăng kiểm chưa đạt 100% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, công tác truy xuất nguồn gốc mấy năm gần đây thực hiện khá tốt, lượng hàng bị trả lại rất thấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cũng có một số địa phương, doanh nghiệp có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ, cái này cần khắc phục. Thứ ba, việc xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù có tăng cường lực lượng, tích cực kiểm tra, xử lý nhưng khi EC kiểm tra lần thứ 3 đã đánh giá so với số lượng vi phạm thì tỷ lệ xử lý còn thấp, đặc biệt là vi phạm về thiết bị giám sát hành trình (thiếu, tắt…).

Phó Thủ tướng thăm khu đào tạo nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy TP. Cần Thơ - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng thăm khu đào tạo nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy TP. Cần Thơ - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu kết luận tại hội nghị, thay mặt Đoàn công tác, lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những kết quả các tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được đối với 4 vấn đề nêu trên.

Phó thủ tướng nhận định, ĐBSCL đóng vai trò rất lớn về an ninh lương thực, đóng góp xuất khẩu nông sản rất lớn và cuộc sống của người dân mỗi ngày đều tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với 2 thách thức lớn là hạ tầng giao thông chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của vùng. Việt Nam chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Phó Thủ tướng ghi nhận đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Chính phủ sẽ rà soát có sự điều chỉnh phù hợp, đồng thời nhấn mạnh “cuộc họp” không phải là “cây đũa thần” nhưng lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các Bộ ngành thể hiện thái độ quyết tâm, quyết liệt quan tâm hơn 4 lĩnh vực đã trao đổi tại hội nghị.

“Có 1 thực tế, không thể nói khác hơn, địa phương nào quan tâm, lãnh đạo nào tâm quyết trách nhiệm với 4 việc này thì nơi đó tình hình tốt hơn”.- Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh

Về vấn đề chống khai thác IUU, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cố gắng quản lý tốt nhất các tàu cá, không để xảy ra vi phạm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm để tạo sự răn đe nói chung.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Đây là một trong những mục tiêu lớn. Đoàn khảo sát của EC trong tháng 10 năm nay sẽ sang Việt Nam, và cũng đoàn cuối cùng trong nhiệm kỳ của Nghị viện Châu Âu. Nếu tháng 10 này chúng ta không cố gắng thì có thể 2-3 năm nữa đoàn mới qua lại, khi đó việc tháo gỡ thẻ vàng sẽ khó khăn hơn". 

Trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, 13 tỉnh thành đấu tranh mạnh với các loại tội phạm ma túy, buôn lậu qua biên giới và nhất là tình trạng phân bón giả và buôn lậu xăng dầu trên biển.

Về tỷ lệ nghiệm ma túy, ca nhiễm HIV của ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm, tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn còn vướng mắc trong vấn đề điều trị, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách đối với nhân viên, bác sĩ công tác tại các trung tâm y tế, cơ sở cai nghiện. 

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đi khảo sát tình hình điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm y tế quận Cái Răng, Cơ sở cai nghiện ma túy TP Cần Thơ và Trung tâm y tế TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu tại những điểm đến, Phó Thủ tướng gợi ý TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang bố trí quỹ đất gần các cơ sở cai nghiện để đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo việc làm bền vững hơn sau cai nghiện, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, cần có sự phối hợp, hợp tác chia sẻ giữa các cơ sở cai nghiện ma túy và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để tận dụng và phát huy tối đa hiệu quả thiết bị, nhân lực y tế sẵn có.