Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trẻ em Việt cần học cách tư duy vượt giới hạn

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiến hành cải cách giáo dục nhằm tương thích khung trình độ của ASEAN và thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, cuộc CMCN 4.0 đem những nghề mới, cùng lúc nhiều nghề cũ bị thay thế trong đó có những công việc tại Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn như dệt may, da giày, xây dựng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Do đó, các nhà chính sách phải tính đến việc đào tạo nguồn nhân lực này chuyển sang công việc mới hoặc đạt trình độ cao hơn ở công việc cũ. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện có 38% lao động nông nghiệp vì vậy cần đặt ra yêu cầu chuyển đổi lượng nhân công này sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra hai vấn đề của ngành lao động Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.
Thứ nhất, làm sao để các lao động nông nghiệp hoặc đã công tác trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ học hỏi những kĩ năng không chỉ mới mà còn tạo công việc cho chính bản thân họ.
Thứ hai, để đối phó với những thách thức mới của lao động phải đẩy mạnh vấn đề “học tập suốt đời”. Khi nói đến việc học tập cho người lớn, quá trình này không chỉ hướng đến lứa tuổi 30 - 40 mà còn tới 60 - 70. “Cuộc cách mạng này phải đem lại cơ hội cho tất cả”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nhất trí với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Vivian Lau - Chủ tịch của JA khu vực châu Á Thái Bình Dương (Hong Kong), Trung Quốc cho biết, bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cách mạng giáo dục. Tuổi thọ con người ngày càng tăng lên, do đó giáo dục cần bao phủ trên độ tuổi rộng hơn, linh hoạt hơn.
Về vấn đề này, ông Ian Lee - Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn Adecco, Singapore khẳng định, “học tập suốt đời” là khái niệm nhất quán ở toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như ASEAN. Mặt bằng giáo dục trong khu vực không đồng đều, do đó theo thời gian, nghề nghiệp con người sẽ thay đổi rất nhiều, do đó cần trang bị những kỹ năng mới cho người lao động để họ thích ứng những biến đổi.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong bối cảnh CMCN 4.0, giáo dục Việt Nam cũng đang tích cực đổi mới. “Một trong những điểm quan trọng là trẻ em Việt Nam cần ý thức về sự khó đoán của thế giới tương lai và thay vì học thụ động thì các em một mặt tôn trọng văn hóa truyền thống nhưng mặt khác giám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại thay vì chỉ biết vâng lời”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang có nhiều dự án ứng dụng công nghệ vào cải tạo quá trình học tập, trong đó kế hoạch tạo kho tri thức giúp cho người học, đặc biệt là người cao tuổi tiếp cận tri thức qua smartphone hay truyền hình. Theo đó, khuyến khích các startup Việt Nam tham gia giúp xây dựng và tiếp cận kho tri thức Việt số hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến tới đổi mới các chương trình đào tạo từ phổ thông cho đến dạy nghề và đại học để tương thích với khung trình độ của khu vực ASEAN cũng như quốc tế. Theo Phó Thủ tướng, các nước ASEAN cần hướng hợp tác chia sẻ học liệu, công nhận bằng cấp và phát huy lợi thế của nhau.