Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Xử lý nghiêm vi phạm để răn đe

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính tới thời điểm này, ngành chăn nuôi nước ta đã phải tiêu hủy gần 4 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, vẫn còn một số cá nhân vì lợi ích trước mắt sẵn sàng vi phạm các quy định trong phòng chống dịch bệnh, khiến dịch càng lan rộng và khó kiểm soát.

 Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi
Mới đây, ngày 13/7, các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 99C-149.47 do tài xế Nguyễn Thế Khanh, hộ khẩu thường trú tại xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành đang trên đường vận chuyển 9 con lợn chết đã xả thịt về thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên tiêu thụ. Tổ công tác đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số lợn chết, đồng thời ra quyết định xử phạt Nguyễn Thế Khanh 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số lợn theo đúng quy định. Trước đó, vào cuối tháng 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cũng đã bắt giữ một xe tải chở 39 con lợn dương tính với virus DTLCP được vận chuyển từ tỉnh Bắc Ninh vào Quảng Ngãi để tiêu thụ. Tại Hà Nội, tình trạng vi phạm các quy định trong phòng chống DTLCP cũng khá phổ biến. Các hình thức vi phạm đa dạng như tái đàn không khai báo, bán chạy lợn dịch, thu mua lợn dịch ở các địa phương khác về tiêu thụ, nổi cộm ở một số huyện như Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì… 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần thừa nhận: Vừa qua, trên địa bàn huyện có xảy ra trường hợp hộ gia đình bà Nguyễn Thị Đức (thôn Muỗi, xã Yên Bài) có đàn lợn 103 con phải tiêu hủy do DTLCP. Tuy nhiên, gia đình lại tái đàn mặc dù dịch vẫn chưa qua 30 ngày và không khai báo với chính quyền địa phương. “Sau khi phát hiện, huyện đã mời công an vào cuộc điều tra mức độ vi phạm và xem xét động cơ trục lợi chính sách, đồng thời xử phạt hành chính đối với trường hợp này”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng trăn trở, những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống DTLCP trong thời gian qua thực sự là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Đây cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng hoang mang về an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng một bộ phận quay lưng lại thịt lợn. Theo ông Đăng, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm này để tạo tính răn đe. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý hành chính, gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả. Nếu mức độ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Đăng cũng khuyến cáo, để kiểm soát được DTLCP cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu. Đối với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào TP. Tuân thủ nghiêm quy tắc “5 không” và “10 cấm” để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.