Ngày 18/5, ông Myron Brilliant - Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, cảnh báo rằng nước này vẫn có thể đối mặt với đợt tái bùng phát virus SARS-CoV-2 mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tại nhiều khu vực khác trên thế giới, đặc biệt tại Ấn Độ - quốc gia đang bị càn quét bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Ông Myron Brilliant - Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, phát biểu tại phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao năm 2018. Ảnh: Xinhua |
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDA) hồi tuần trước thông báo rằng những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần đeo khẩu trang ở nhiều nơi, cả trong nhà và ngoài trời.
Một số cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tại Mỹ đã áp dụng hướng dẫn mới này, theo đó nới lỏng quy định về khẩu trang cho những khách hàng đã được tiêm phòng đầy đủ.
Tuy nhiên, ông Myron Brilliant vừa lên tiếng cảnh báo rằng nước Mỹ phải cảnh giác trước diễn biến Covid-19 đang lây lan nghiêm trọng tại Ấn Độ hiện tại và những nguy cơ về đợt bùng phát dịch mới.
“Chúng ta đã đạt những tiến triển rõ ràng trong việc kiểm soát dịch Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm ngừa vaccine thần tốc. Nền kinh tế Mỹ đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả sản xuất” - ông Brilliant nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn kênh CNBC hôm 18/5, đồng thời cảnh báo: “Chúng ta phải cảnh giác trước những gì đang diễn ra tại Ấn Độ và nguy cơ từ những làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới. Chúng tôi hết sức lo ngại về tình hình dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á”.
Ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng vọt khắp châu Á
Các quốc gia như Ấn Độ, Nepal và Malaysia đã chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng đột biến trong những tuần gần đây.
Đặc biệt, Ấn Độ đang phải vật lộn với số ca nhiễm mới và tử vong liên tục lập kỷ lục trong những tuần gần đây, trong đó cá biệt có ngày ghi nhận tới hơn 400.000 trường hợp. Tính đến ngày 19/5, Ấn Độ chứng kiến tổng cộng hơn 25 triệu trường hợp mắc Covid-19 và hơn 283.000 ca tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, trong tuần từ ngày 9-15/5, Malaysia không chỉ ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh mà kỷ lục về số ca tử vong vì dịch này cũng liên tục bị đạp đổ. Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, từ ngày 9-15/5, số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã tăng từ 136 ca của tuần trước đó (2 - 8/5) lên thành 209 ca, tương đương tăng 53,7%.
Hiện nay, Malaysia đã phát hiện ba biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là biến thể Nam Phi B.1.351, biến thể Anh B.117 và biến thể Ấn Độ B.1.617.1.
Trước khi làn sóng dịch mới bùng phát, Singapore được chọn là nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 8. Tuy nhiên, ban tổ chức đã hoãn lại sự kiện này cho đến năm sau tại một địa điểm không xác định vì "triển vọng du lịch không chắc chắn, tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine khác nhau và sự không chắc chắn về các biến thể mới” của Singapore.
Theo số liệu mới nhất từ Our World in Data của trường đại học Oxford (Anh), hơn 60% trong số 10 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong nửa đầu tháng 5 là ở châu Á.
Đẩy mạnh hợp tác toàn cầu
Ông Brilliant nói rằng đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới tại nhiều nước châu Á, đặc biệt ở Ấn Độ đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đồng thời lưu ý rằng hàng triệu người ở Ấn Độ đang làm việc cho các công ty Mỹ. “Vì vậy, chắc chắn, chúng tôi không tránh được những ảnh hưởng. Nguy cơ vẫn đang rình rập nếu chúng ta không đẩy mạnh hợp tác với các nước trong cuộc chiến chống đại dịch và giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng y tế trên khắp toàn cầu, đặc biệt tại Ấn Độ” - ông Brilliant cho hay.
Dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Mỹ và Trung Quốc, có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay, song ông Brilliant nói rằng điều đó sẽ “không mang lại nhiều lợi ích” trừ khi cộng đồng toàn cầu hợp tác để ngăn chặn làn sóng bùng phát Covid-19 trên khắp thế giới.
Theo số liệu công bố ngày 19/5, Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục về số ca tử vong vì Covid-19 với 4.529 người trong vòng 24 giờ qua và chứng kiến gần 300.000 ca nhiễm mới ngày thứ ba liên tiếp.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ cũng nhấn mạnh: “Nếu không kiểm soát được dịch Covid-19, nhiều quốc gia châu Á sẽ gặp thách thức nghiêm trọng, không chỉ đối mặt với khủng hoảng y tế mà còn rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo ông Brilliant, điều quan trọng là các quốc gia phải hợp tác trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. “Mỹ không thể hành động một mình. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19 khi 95% hàng hóa của Mỹ được tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài. Vì vậy, nước Mỹ cần chung tay với thế giới để kiểm soát đại dịch” – ông Brilliant nói./.