PV GAS dẫn đầu “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018”

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 đánh dấu một sự kiện quan trọng, PV GAS tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng “50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam” do Forbes bình chọn.

 Bồn LPG của PV GAS
Để thực hiện Bảng xếp hạng này, Forbes Việt Nam xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ khảo, sẽ loại những công ty đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 500 tỉ đồng, các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã được xem xét)... 
Ở vòng tính toán định lượng, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2013 - 2017. Phần tính toán định lượng theo phương pháp của Forbes được sự hỗ trợ của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Tiếp theo, vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững.

Năm 2018, Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2018. Đây là lần thứ 6 Forbes Việt Nam thực hiện bình chọn danh sách này tại Việt Nam và cũng là năm thứ 6, PV GAS được Forbes đánh giá trong Top doanh nghiệp hiệu quả nhất Việt Nam với vị trí thuộc hạng cao nhất.

Năm 2017, PV GAS đã đạt được những kết quả nổi bật: lợi nhuận sau thuế đạt 9.937 tỷ đồng, đứng hàng Á quân sau Vinamilk. PV GAS cũng đạt vị trí nổi bật về doanh thu khi đạt mốc 64.552 tỷ đồng. Với giá trị vốn hóa tại thời điểm 31/12/2017 đạt 8,1 tỷ USD, PV GAS nằm trong top 3 công ty dẫn đầu về vốn hóa thị trường, đóng góp khoảng 13% doanh thu và 30% lợi nhuận cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Forbes nhận định: PV GAS tiếp tục là đơn vị chủ lực của ngành công nghiệp khí, trong tất cả các khâu: thu gom - xuất, nhập khẩu - vận chuyển - chế biến - tồn trữ - kinh doanh khí và sản phẩm khí tại Việt Nam, tiếp tục cung cấp khí ổn định để sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia, đáp ứng 70% nhu cầu đạm trên toàn quốc, chiếm lĩnh 70% thị phần LPG cả nước. Năm 2018, PV GAS (Công ty mẹ) đặt kế hoạch giải ngân 3.281 tỷ đồng cho các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị và đầu tư tài chính.

Trong danh sách năm nay quán quân doanh thu thuộc về Petrolimex (153,7 ngàn tỉ đồng) và quán quân lợi nhuận sau thuế thuộc về Vinamilk (10.295 tỉ đồng). Trong khi đó, xét về vốn hóa, Vingroup hiện là công ty có vốn hóa lớn nhất, đạt hơn 15 tỉ USD.

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách năm nay chiếm giá trị vốn hóa 70,8% vốn hóa hai sàn HSX và HNX. Tổng lợi nhuận của các công ty trong danh sách đạt 106.949 tỉ đồng, tăng 34%. Danh sách lần thứ sáu của Forbes Việt Nam cho thấy sự bứt phá của nhiều công ty lớn, đến từ khối tư nhân như Vingroup, Hòa Phát, VPBank hay Thế giới di động…

Xét theo ngành, các lĩnh vực tài chính, bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng… chiếm tỉ trọng lớn về giá trị thị trường. Xét theo sàn, HSX vẫn áp đảo với 47 công ty, HNX có 3 công ty. So với lần trước danh sách năm nay có 10 sự thay đổi, trong đó có 7 cái tên lần đầu lọt vào danh sách (VPB, VCI, NKG, CSV, GEX, PVT, PME),

Nhìn tổng thể 12 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực: chỉ số VNIndex phá kỷ lục cũ, xác lập đỉnh mới 1.207 điểm vào tháng 4 năm nay; thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động; quá trình thoái vốn ở các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Sabeco có kết quả vượt mong đợi, nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu ngành mới lên sàn như Vinhomes, Vincom Retail, VPBank, HDBank, Techcombank… đưa quy mô thị trường tăng vọt.

“Danh sách xếp hạng những công ty niêm yết tốt nhất thị trường của Việt Nam lần thứ sáu của Forbes Việt Nam phản ánh bức tranh kinh tế Việt Nam và diễn biến thị trường chứng khoán năm qua. Các diễn biến khả quan trên thị trường tài chính làm gia tăng số lượng các doanh nghiệp ngành ngân hàng, chứng khoán. Các ngành quan trọng như bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics… vẫn phát triển và ổn định nên có số đại diện đông đảo nhất sau lĩnh vực tài chính,” bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam cho biết.