Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quá trình tiếp đất của tên lửa Trung Quốc đang được Mỹ theo dõi sát sao

Hoài Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tàn dư của tên lửa khổng lồ được Trung Quốc phóng vào vũ trụ tuần trước đang bị mất kiểm soát và dự kiến ​​sẽ hạ cánh trong tuần này.

 Tên lửa Trường Chinh 5B cất cánh từ Trung tâm Phóng Vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 29/4/2021. Ảnh: Reuters
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng từ đảo Hải Nam của Trung Quốc vào ngày 29/4 mang theo module Thiên Hà - với 3 phi hành đoàn trên một trạm vũ trụ thường trực của Trung Quốc. Vụ phóng Thiên Hà là giai đoạn đầu trong số 11 nhiệm vụ để hoàn thành dự án xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung ngoài không gian.
Lõi của tên lửa nặng khoảng 21 tấn, quay quanh Trái đất với tốc độ khoảng 27.600km/h ở độ cao hơn 300km. Hiện tại vẫn không thể kiểm soát được điểm rơi chính xác của tên lửa xuống Trái đất.
Nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell tại Harvard cho biết, các mảnh vỡ của tên lửa sau khi xuyên qua bầu khí quyển với tốc độ siêu âm hầu hết sẽ bị bốc cháy, chỉ còn những phần nhỏ rất có thể sẽ rơi xuống biển, vì 70% thế giới được bao phủ bởi đại dương. Cũng có khả năng các mảnh của tên lửa sẽ rơi xuống đất liền, ở ngay khu vực đông dân cư.
Lần phóng tên lửa Trường Chinh 5B trước đó đã kết thúc bằng những thanh kim loại lớn bay qua bầu trời và làm hư hại một số tòa nhà ở Bờ Biển Ngà.
Dựa trên quỹ đạo hiện tại, tên lửa Trường Chinh 5B đang bay quanh Trái đất, phía bắc hướng New York, Madrid và Bắc Kinh và về phía nam hướng Chile và Wellington, New Zealand. Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ dự đoán vật thể nặng 21 tấn này có thể rơi xuống bất kỳ điểm nào trong khu vực này, dự kiến sẽ vào khoảng ngày ngày 8/5.