Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng bá thơ ca Việt Nam ra thế giới: Vượt rào cản ngôn ngữ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay, thơ ca Việt Nam đã có nhiều đổi mới, phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước, trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc quảng bá thơ ca Việt Nam ra quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế vì một yếu tố cố hữu là ngôn ngữ.
Ít tác phẩm được dịch ra nước ngoài
Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam có nhiều nhà thơ nổi tiếng trong nước và quốc tế... Nhiều tập thơ nổi tiếng của Việt Nam đã được dịch ra tiếng nước ngoài như: Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay Truyện Kiều – tập truyện thơ nổi tiếng được xét vào hàng kinh điển của Việt Nam đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.
 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu. Ảnh: TTXVN
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày nay, văn học Việt Nam từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng. Đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thơ ca thế giới. Tuy nhiên, để thơ ca Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn ra thế giới vẫn là điều rất khó, nhất là rào cản về ngôn ngữ.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hàng chục bài thơ được tác giả đọc trực tiếp tại sân khấu nhưng chỉ có một tác phẩm đọc bằng tiếng Anh. Theo các chuyên gia, thơ ca Việt Nam đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn nhưng việc quảng bá còn hạn chế, số lượng tác phẩm thơ Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài còn ít.
Nhìn quá khứ, hướng tương lai
Theo nhiều nhà thơ, nhà văn, dịch giả tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, để quảng bá thơ ca Việt ra thế giới, có thể loại bỏ được rào cản ngôn ngữ bằng cách dịch từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự đào tạo công phu, lâu dài. Tiếp theo đó là huy động các nguồn lực cùng trí tuệ, tài năng của các chuyên gia. Cuối cùng, phải tính đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia. Tất cả liên quan đến một chiến lược văn hóa lâu dài.
GS.TS Ahn Kyong Hwan - Đại học Chosun (Hàn Quốc) cho biết, tác phẩm văn học của Việt Nam đã được giới thiệu tại Hàn Quốc hiện nay vẫn còn ít cũng như văn học của Hàn Quốc vẫn chưa được giới thiệu nhiều tại Việt Nam. Điều đó nói lên sự thiếu quan tâm của người dân của hai quốc gia. GS Ahn cho rằng, cần thành lập những cơ quan như Viện biên dịch văn học Việt Nam để triển khai hoạt động chi viện cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài. Với phương pháp đó, Việt Nam có thể giới thiệu rộng rãi tác phẩm thơ văn ưu tú của Việt Nam ra nước ngoài, thông qua các tác phẩm thơ văn để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài là một phương pháp hiệu quả nhất.
Hiện Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm Dịch thuật. Trung tâm này đang xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch các tác phẩm văn, thơ của Việt Nam ra tiếng Anh làm trung gian chuyển ngữ sang các thứ tiếng khác, khởi đầu của kế hoạch trên được triển khai ngay dịp này với việc 3 ấn phẩm “10 thế kỷ văn học Việt Nam”, tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” được xuất bản song ngữ Tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu tới công chúng trong nước, quốc tế.

Ngày 18/2, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp Đoàn đại biểu dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hội nghị nhằm góp phần giới thiệu những giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp tập hợp, đoàn kết, tạo cơ hội cho các nhà văn Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn trên nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia nhằm đóng góp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới.