Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi cần “vá” lỗ hổng phòng cháy, chữa cháy ở trường nội trú

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các trường nội trú ở khu vực miền núi Quảng Ngãi chưa đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, thậm chí không có phương tiện chữa cháy.

Thực trạng đáng lo ngại

Quảng Ngãi có 585 đơn vị, cơ sở giáo dục, trong đó hệ thống trường dân tộc nội trú có 7 trường, gồm 1 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh và 6 trường THCS dân tộc nội trú ở 5 huyện miền núi; 32 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 trường Đại học và 6 trường Cao đẳng.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua (huyện Sơn Tây).
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua (huyện Sơn Tây).

Đáng chú ý, trong số này có đến 18 trường có ký túc xá nhưng đại đa số lại chưa đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ.

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi- Đại tá Hoàng Anh Tuấn, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường vi phạm PCCC. Đặc biệt, 5 trường dân tộc nội trú, gồm Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh đóng ở TP Quảng Ngãi và 4 trường THCS dân tộc nội trú ở các huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng đều vi phạm công tác PCCC.

“Một số ký túc xá trong nhà trường có quy mô ban đầu không thuộc diện thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC. Quá trình hoạt động có sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới dẫn đến thuộc diện phải thẩm duyệt nhưng lại không bố trí kinh phí. Các trường vi phạm quy định thuộc diện phải tạm đình chỉ hoạt động. Nhưng như thế sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các em nên phải tính toán hợp lý, nếu không muốn nói là không thể xử lý”- Đại tá Hoàng Anh Tuấn thông tin.

Giám sát tình hình tổ chức và hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Ngãi mới đây cũng cho thấy, các khu ký túc xá của trường phổ thông dân tộc nội trú có mật độ học sinh đông, tuy nhiên công tác PCCC chưa được quan tâm, bảo đảm, dẫn đến tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về cháy, nổ.

 Không để “mất bò mới lo làm chuồng

Về vấn đề PCCC tại các trường dân tộc nội trú, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái thừa nhận, hiện các trường nội trú trên địa bàn các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ chưa đảm bảo công tác PCCC, thậm chí không có các phương tiện chữa cháy.

Ông Thái cho rằng, theo phân cấp, Sở chỉ quản lý hệ thống trường THPT và 1 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh đóng ở TP Quảng Ngãi, còn các trường THCS nội trú và bán trú do các huyện quản lý. Đối với các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn do các đơn vị chủ quản quản lý, việc đầu tư cho phòng PCCC phụ thuộc các đơn vị chủ quản.

Phương tiện chữa cháy tại các trường khá thô sơ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn
Phương tiện chữa cháy tại các trường khá thô sơ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn

Thực tế, các trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện miền núi trước đây có đầu tư hệ thống PCCC nhưng cũng thô sơ như bình xịt mini, giếng nước hoặc bồn nước và một số thiết bị khác, chứ chưa được đầu tư bài bản. Hiện nay, Sở GD&ĐT  đang đầu tư nâng cấp hạng mục phòng cháy chữa cháy cho trường THPT dân tộc nội trú tỉnh.

“Năm 2023-2024, Sở đã tham mưu UBND tỉnh bố trí trên 6 tỷ đồng để thực hiện 5 công trình PCCC ở các trường THPT. Mong UBND các huyện có đơn vị trường nội trú, bán trú thì hỗ trợ để đáp ứng phòng cháy chữa cháy”- ông Thái nói.

Đầu tư PCCC cho ngành giáo dục là chuyện không thể thực hiện trong một sớm một chiều vì có nhiều cơ sở, lại nằm rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố. Vấn đề mấu chốt phải nâng cao ý thức về PCCC, tập huấn kỹ năng cho giáo viên, học sinh.

Vấn đề mấu chốt trong PCCC là nâng cao ý thức và tập huấn kỹ năng cho giáo viên, học sinh.
Vấn đề mấu chốt trong PCCC là nâng cao ý thức và tập huấn kỹ năng cho giáo viên, học sinh.

“Trong điều kiện trước đây chúng ta chưa quan tâm đầu tư PCCC thì giờ phải từng bước làm. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động thì phải xử lý nghiêm, thực hiện nghiêm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC. Không để “mất bò mới lo làm chuồng", đến lúc hậu quả xảy ra mới đi tính toán các giải pháp và các yêu cầu, nhiệm vụ"- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị.