Trước đó, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đã có 78 đại biểu nêu ý kiến, đánh giá cao và cơ bản đồng ý với các nội dung báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết cần phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 – 2030 vì đây là vùng trũng về kinh tế - xã hội của đất nước, đã kéo dài trong rất nhiều năm và chậm được khắc phục. Việc ban hành Chương trình này sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, sự nghiệp đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) là cần thiết, thường xuyên, lâu dài, trải qua nhiều thế hệ thì mới từng bước thay đổi được; việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực này cũng phải hài hòa với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bởi mất bản sắc văn hóa là mất dân tộc. Các ý kiến này đề nghị, Chương trình cần được nghiên cứu kỹ, thấu đáo giữa phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Nhiều ý kiến cơ bản thống nhất phạm vi, đối tượng và địa bàn đầu tư Chương trình. Tuy nhiên, hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đang có hiệu lực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để có sự chỉ đạo phù hợp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, địa bàn khi triển khai Chương trình.
Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần phải bám sát hơn với đối tượng theo Nghị quyết 88 và Kết luận số 65 của Bộ Chính trị để đưa vào Chương trình. Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn về địa bàn và đối tượng thụ hưởng chương trình, vì vậy, Chính phủ cần phải khẩn trương xây dựng tiêu chí phân định vùng cụ thể để làm cơ sở căn cứ cho việc thực hiện Chương trình. Có ý kiến băn khoăn về đối tượng không phải người dân tộc thiểu số thuộc diện phải di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện lớn, hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thu gọn đầu mối quản lý, rõ trách nhiệm của từng cơ quan
Về mục tiêu của Chương trình, nhiều đại biểu cho rằng, các mục tiêu của chương trình đã được xây dựng rõ ràng, có cơ sở, cụ thể hóa được các mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng Đề án mới nêu được lộ trình là từ năm 2021-2030, cần bổ sung làm rõ hơn giai đoạn 2021-2025 thì cụ thể sẽ làm gì, đề xuất gì.
Nghị quyết 88 đã đưa ra các mục tiêu quan trọng cần thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và MN. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, một số mục tiêu của Chương trình chưa phù hợp hoặc chưa được cụ thể hóa, đồng bộ với các mục tiêu trong Nghị quyết 88. Do vậy, Chính phủ cần rà soát lại các mục tiêu trong Chương trình để phù hợp với các mục tiêu trong Nghị quyết 88. Một số ý kiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu kết thúc giai đoạn 2021-2025 có bao nhiêu xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, đồng thời xác định lộ trình hàng năm để phấn đấu thực hiện.
Có ý kiến cho rằng, các dự án thành phần đã được thiết kế tương đối rõ, tuy nhiên còn có quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, dàn trải, chưa có sự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Theo Nghị quyết 88 thì cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Do vậy, Chính phủ cần chú trọng đáp ứng được mục tiêu trên, theo đó tập trung phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng gấp đôi thu nhập cho đồng bào DTTS.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần tập trung thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 88 của Quốc hội, đó là: tích hợp đồng bộ các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào DTTS, thu gọn đầu mối quản lý, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Tuy nhiên, trong Đề án chưa nêu cơ quan chịu trách nhiệm, là chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 88.
Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 88 yêu cầu cần ưu tiên giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng dân tộc thiểu số rất ít người, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng nhưng trong Chương trình chưa nêu rõ. Trong giai đoạn đầu của Chương trình cần đầu tư theo 5 nội dung của Nghị quyết 88 là: Giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; ổn định, sắp xếp lại dân cư; phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản (điện, đường, trường, trạm); phát triển giáo dục.
Về cơ chế chính sách huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, có ý kiến cho rằng, cần tính toán phương án đầu tư, hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể, tránh cào bằng. Có các cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào DTTS. Có ý kiến đề nghị cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện mỗi khu vực, tập quán, văn hóa mỗi dân tộc. Có ý kiến cho rằng, việc bố trí nguồn lực Chương trình cần thể hiện rõ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Nghiên cứu cơ chế phân cấp địa phương để chủ động nguồn vốn thực hiện Chương trình.
Có ý kiến cho rằng, trước đây dự kiến là hơn 330 nghìn tỷ, bây giờ giảm xuống còn 137 nghìn tỷ, bình quân hơn 20 nghìn tỷ một năm cho 10 dự án và rất nhiều tiểu dự án; trong khi mục tiêu vẫn giữ nguyên, nguồn lực như vậy là ít, dàn trải cho quá nhiều dự án. Một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế cụ thể trong việc xã hội hóa huy động nguồn vốn trong nhân dân và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nguồn lực vốn của nhà nước chỉ tập trung đầu tư những nội dung trọng điểm, mang tính đột phá.
Tăng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển, hạn chế mô hình “cho không”
Về kinh phí Chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ bố trí nguồn lực còn thấp, chỉ có 41,04% là chưa thỏa đáng, do vậy đề nghị Chính phủ dành nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Bên cạnh đó cần phân kỳ để đầu tư.
Có ý kiến cho rằng, về kinh phí cho giai đoạn 2021-2025, bình quân là trên 25 ngàn tỷ đồng/năm, khả năng phát sinh vốn là rất lớn vì các dự án trong Chương trình có 10 dự án nhưng mới chỉ là ước lượng kinh phí thực hiện mà chưa có đề xuất chủ trương cụ thể. Việc cân đối vốn là rất khó khăn mà chủ yếu là ngân sách Trung ương. Các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại vì khả năng cân đối vốn đầu tư công liệu có đảm bảo tính khả thi trong việc bố trí vốn để thực hiện không vì hiện nay ngân sách Nhà nước càng ngày càng eo hẹp hơn trong bối cảnh dịch covid 19 có thể tác động đến việc hụt thu ngân sách và bội chi ngân sách. Vì vậy, phải cân đối lại nhất là nguồn vốn đầu tư công.
Có ý kiến cho rằng, cần cân đối giữa vốn đầu tư và vốn sự nghiệp; trong Chương trình thì vốn sự nghiệp đang chiếm quá nửa. Do vậy, cần tăng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển, hạn chế các mô hình hỗ trợ “cho không” theo đúng tinh thần Nghị quyết 88. Cần ưu tiên những dự án nào cấp thiết thì nên đầu tư trước. Có ý kiến đề nghị quan tâm các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – ngân sách. Có ý kiến cho rằng, dự kiến ban đầu tổng vốn đầu tư cho chương trình này là 600 nghìn tỷ, nhưng sau khi tính toán, rà soát lại còn 271 nghìn tỷ đồng. Như vậy tính khoa học chưa thuyết phục, đề nghị xác định lại chỉ tiêu nào là trọng tâm để đầu tư.
Có ý kiến cho rằng, đối với các tỉnh vùng DTTS và MN thu ngân sách ít, chủ yếu do Trung ương phân bổ nên khó bố trí vốn, vì vậy, các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn có thể cân đối và bố trí vốn cao hơn để đầu tư cho vùng DTTS - MN nếu Trung ương có cơ chế. Có ý kiến cho rằng, nguồn vốn tín dụng 20 nghìn tỷ đồng là thấp. Với quan điểm “giảm cho không, tăng cho vay” để bà con DTTS có trách nhiệm trong việc vay vốn và làm ăn đạt hiệu quả, nên tăng thêm 20 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng nữa để đáp ứng yêu cầu của Chương trình.
Có ý kiến cho rằng, nguồn vốn huy động Chính phủ dự kiến thấp. Cần cân nhắc huy động thêm nguồn lực bên ngoài như nguồn vốn quốc tế, huy động cộng đồng doanh nghiệp và nên tăng thêm khoảng 500 đến 1.000 tỷ đồng/năm.
Có ý kiến đề nghị, Chính phủ nên cân nhắc tăng thêm vốn cho giai đoạn 2021 -2025 để tập trung thực hiện Chương trình. Nếu Chính phủ không bố trí được thêm vốn thì nên xem xét cắt bớt các dự án thành phần để tập trung ưu tiên trọng điểm phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.
Nhiều đại biểu lưu ý, Chương trình đặt mục tiêu lớn mà việc bố trí vốn chưa tương xứng. Khi đưa ra chính sách thì phải tính đến nguồn lực (ngân sách Trung ương, địa phương). Việc bố trí vốn, nguồn lực thực hiện cần đảm bảo để tránh tình trạng mục tiêu, nhiệm vụ nhiều nhưng vốn không đáp ứng được, không hiệu quả, mất lòng tin của đồng bào.
Có ý kiến cho rằng, nếu đầu tư cho vùng đồng bào DTTS thì cần tính toán nguồn vốn tối đa để thực hiện mục tiêu tối thiểu thì mới đạt hiệu quả. Hiện nay có tình trạng nguồn vốn Trung ương, địa phương thực hiện, Trung ương ban hành chính sách, địa phương thực hiện dẫn đến không sát thực tế, không hiệu quả, không đảm bảo nguồn vốn. Các đại biểu này đề nghị, cần quan tâm thực hiện theo hướng: Trung ương ban hành chính sách, Trung ương bố trí vốn thực hiện, địa phương ban hành chính sách, địa phương bố trí vốn thực hiện. Cần có kịch bản tính toán nguồn lực cho năm 2021 bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nên bỏ phần kinh phí đối ứng của địa phương, vì các tỉnh DTTS và MN đã khó khăn, lệ thuộc ngân sách Trung ương thì rất khó bố trí vốn đối ứng trong các dự án.