Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định nào nói không với “bún mắng”, “cháo chửi”?

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy chế Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại đã trải qua 6 lần dự thảo, nhưng nội dung hiện vẫn khu biệt ở diện hẹp.

 TS Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với TS Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng - đơn vị tư vấn xây dựng bộ Quy chế xung quanh tác động đối với người dân khi Quy chế được ban hành.
80% tin vào Quy chế
Từ cuối năm 2016, sau chỉ đạo xây dựng Quy chế tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố của UBND TP, quá trình thực hiện khá yên lặng. Ông có thể cho biết, Viện Xã hội học ứng dụng bắt đầu xây dựng Quy chế này từ khi nào và đến bao giờ hoàn thành?
- Đơn vị tư vấn tiếp quản từ đầu năm 2017. Đến nay Quy chế trải qua 6 lần làm dự thảo, hàng chục cuộc làm việc với Sở VH&TT và liên ngành các sở với tên gọi: Quy chế Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại. Quy chế đã cơ bản hoàn thành về các nội dung cơ bản.
Đơn vị tư vấn dựa trên các căn cứ gì để xây dựng bộ Quy chế?
- Chúng tôi căn cứ vào tất cả các văn bản liên quan đến chủ đề Quy chế của các Sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Tuy nhiên, cách áp dụng không mang tính tổng hợp một cách cơ học tất cả các thông tư, quy định mà mềm hóa theo cách văn hóa ứng xử trong xã hội. Ví dụ như đối tượng điều chỉnh của Quy chế là hệ thống dịch vụ ăn uống Hà Nội nói chung và ăn uống đường phố là các cửa hàng cửa hiệu bám mặt đường, rồi cả cửa hàng cửa hiệu trong ngõ. Vì đặc trưng của Hà Nội là ngõ nhỏ, phố nhỏ. Hoặc các quy định hàm lượng về khoảng cách cơ sở kinh doanh với nghĩa trang, thùng rác… đều được lựa chọn phương án tối thiểu để có thể áp dụng cho các cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ… Tiêu chí của chúng tôi là Quy chế này phải là văn bản khái quát nhất, tổng hợp nhất, tinh thần dễ tiếp thu, dễ ghi nhớ và dễ áp dụng.
Ngoài ra, tháng 4 và tháng 5/2017, chúng tôi phỏng vấn được gần 1.000 người dân, 500 cơ sở kinh doanh với các thể loại, loại hình; từ hàng bán xôi, bán trà đá cho đến cửa hàng, cửa hiệu, hệ thống lớn.
Ông có thể tiết lộ biện pháp và kết quả khảo sát của Quy chế?
- Chúng tôi thiết kế phiếu đầy đủ và bài bản. Trong phiếu khảo sát đề cập cả thói quen ăn uống, đánh giá về tình hình ăn uống, chấp hành kỷ cương, văn hóa ứng xử, rồi nhu cầu là để cải thiện phải làm gì… Chúng tôi sử dụng đội ngũ cộng tác là sinh viên các trường đại học để thu thập một cách khách quan, có báo cáo cụ thể bằng văn bản và hình ảnh. Kết quả thu về rất tích cực. Phần lớn phản ứng của người dân ủng hộ cho việc ban hành bộ Quy chế (trên 40%, đứng thứ 2 trong 7 giải pháp). Kết quả khảo sát về mức độ tin tưởng khi ban hành Quy chế ở người dân là: 20% không tin tưởng, 70% tin tưởng và 10% rất tin; đối với người kinh doanh 68% tin tưởng…
2 tháng nữa có thể ban hành
Viện Xã hội học ứng dụng là đơn vị tư vấn xây dựng Quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính của TP Hà Nội. Viện đúc rút kinh nghiệm gì từ việc xây dựng Quy chế lần trước để áp dụng cho lần này?
- Hiện nay, dự thảo Quy chế không bê nguyên các thông tư, quy định của các ngành mà chỉ tinh thần của các văn bản đó. Chúng tôi nhìn từ góc độ quản lý văn hóa xã hội hay vi phạm nhiều nhất để tập trung đưa vào Quy chế. Ngoài ra, tiếp thu tinh thần mới như lấn chiếm vỉa hè lòng đường chúng tôi đưa vào: Hàng quán phải nằm trong giấy phép xây dựng, biển báo cửa hiệu  thống nhất, đảm bảo trong sáng của tiếng Việt… Quy chế đưa ra một số khái niệm gần gũi với kinh doanh đường phố. Chúng tôi hiểu rằng văn bản đưa ra rất dễ chồng chéo với văn bản trước, vì vậy tối giản các tiêu chí mà mềm hóa. Phải chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình xây dựng Quy tắc ứng xử hành chính, nếu mềm hóa ngôn ngữ thì ra đến Sở Tư pháp sẽ bị “tuýt còi” về mặt pháp quy. Giải bài toán này rất gian nan. Chúng tôi đánh giá cao cách làm việc của lãnh đạo TP khi xây dựng Quy tắc ứng xử hành chính. Chiều 27 Tết nhưng lãnh đạo TP gồm Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động vẫn họp bàn trực tiếp với đơn vị tư vấn để đưa ra các thắc mắc, yêu cầu giải đáp và cùng đi đến thống nhất. Quan điểm của chúng tôi là thành công của Quy chế phụ thuộc vào sự sát sao thực hiện
Nhiều quy định của các ngành y tế, công thương, nông nghiệp được ban hành nhưng quá trình thực hiện không hiệu quả. Quy chế Tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại giải quyết bài toán này như thế nào?
- Đây là suy tư của các đồng chí lãnh đạo đến đơn vị tư vấn. Chúng tôi luôn mong muốn Quy chế đưa ra được cộng đồng chấp nhận, hiểu và duy trì thông điệp nên ngôn từ giản dị, gần gũi. Quy chế và Quy tắc ứng xử được cập nhật qua các năm, không nên đóng khung. Việc lấy dự thảo phải tiến hành rộng rãi, để tất cả mọi người hiểu rằng Quy chế này liên quan đến quyền lợi của mọi người.
Theo ông, mất khoảng bao lâu thì Quy chế này có thể ra đời?
- Chúng tôi đang tư vấn lấy ý kiến của 3 ngành để đi đến thống nhất. Nếu tất cả cùng đồng thuận, thì cũng còn các giai đoạn công bố công khai dự thảo, lấy ý kiến Nhân dân thông qua MTTQ, đoàn thể tại các quận, huyện, đăng tải trên phương tiện truyền thông… sau đó mới trình UBND TP xem xét và ban hành. Nghĩa là nhanh nhất cũng phải hết quý III năm nay thì Quy chế này mới có thể ban hành.
Xin cảm ơn ông!

Một cửa hàng ăn uống trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh:  Diệp Sa