Quá rộng
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến các ĐB Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 đã được chỉnh lý. Trong đó, quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo. Đồng thời quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo, điểm dừng trong giải quyết tố cáo… “Tại Kỳ họp thứ 3, nhiều ý kiến cho rằng quy định về bảo vệ người tố cáo của Dự Luật còn chung chung, mang tính hình thức, chưa có quy định cụ thể về đối tượng được bảo vệ, cơ quan bảo vệ, thời hạn bảo vệ, biện pháp bảo vệ, trình tự thủ tục bảo vệ, kinh phí bảo vệ. Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Dự Luật đã được thiết kế lại tổng thể chương về bảo vệ người tố cáo, người thân của người tố cáo, người cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tố cáo” - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phạm vi quy định của Dự Luật quá rộng, cả về lĩnh vực, biện pháp và đối tượng được bảo vệ, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta, không có tính khả thi. Do đó cần rà soát các nội dung, để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp với quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính… Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần tiếp tục nghiên cứu, có đánh giá tác động toàn diện và sâu sắc, có khảo sát thực tế, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài để đưa ra quy định phù hợp. Trong đó chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện và các cơ quan có trách nhiệm phối hợp nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật và tạo sự đồng thuận.
Tránh lạm dụng
Nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ để quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực trạng tình trạng tố cáo sai (chiếm khoảng 60% số vụ tố cáo). Do đó việc quy định trường hợp được bảo vệ và biện pháp được áp dụng cần chặt chẽ, mở rộng nhưng phải khả thi, nếu không sẽ bị lạm dụng và không đạt được mục đích bảo vệ người tố cáo.
Các ý kiến khác cũng đề nghị cân nhắc, không nên đưa đối tượng những người đã thôi không còn làm cán bộ, công chức, về hưu hoặc chuyển ra ngoài công tác vào trong Luật. Và nên đưa vào Dự Luật công chức, viên chức điều chỉnh trong thời gian tới để phù hợp với phạm vi điều chỉnh.
Một nội dung còn những quan điểm khác nhau là Dự Luật đưa ra 2 hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử như nhiều ý kiến đề nghị của ĐB Quốc hội. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà Dự Luật quy định. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý theo hướng: Quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, yêu cầu của việc sửa đổi luật là giải quyết vướng mắc của thực tế giải quyết tố cáo như thời hiệu, tố cáo mạo danh, nặc danh, vấn đề bảo vệ người tố cáo, điểm dừng hay không có điểm dừng của việc giải quyết tố cáo… Do đó, đề nghị mở các phương án để tiếp tục nghiên cứu thảo luận, đồng thời, học tập kinh nghiệm của các nước trong giải quyết các vấn đề này.