Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/9, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương là thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện.

Phát huy trí tuệ tập thể để đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển, đồng thời nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch trên cơ sở bám sát để cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của T.Ư, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, 2030 và 2045. Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó, có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó, nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng Quy hoạch đã quan trọng, nhưng công tác thẩm định còn quan trọng hơn. Đây là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.

Nhiều ý kiến đóng góp xác đáng

Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành lập theo Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Hội đồng có 34 thành viên là lãnh đạo một số cơ quan Đảng, cơ quan của Quốc hội, Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND của 7 tỉnh, TP trực thuộc TƯ; có 15 ủy viên gồm 10 chuyên gia phản biện đối với Quy hoạch và 5 chuyên gia phản biện Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch. Ngày 14/9/2022, Hội đồng tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý tại hội nghị.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý tại hội nghị.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, liên cấp, với sự tham gia, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, nhưng đây cũng là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia; Xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; Hình thành các trục và hành lang kinh tế; Hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia với những quan điểm rất cụ thể, chi tiết, trong đó có nội dung về phân vùng kinh tế - xã hội.

Hiện, nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, đã có nhiều phương án được đưa ra về phân vùng, trong đó đề xuất chia cả nước thành 7 vùng, thay vì 6 vùng như hiện nay. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch.

Theo TS Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, hiện nay, chúng ta cơ bản thống nhất phương án giữ nguyên 6 vùng, vừa qua Bộ Chính trị cũng đã thông qua các Nghị quyết phát triển vùng trong 6 vùng này.

Tuy nhiên, TS Cao Viết Sinh kiến nghị xem xét tách các vùng lớn ra thành những tiểu vùng, như Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có thể tách làm 2 tiểu vùng là Đông Bắc và Tây Bắc. Bên cạnh đó, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với đặc thù về địa lý kéo dài, cũng có thể tách ra thành các tiểu vùng gồm Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nên xem xét tách các vùng lớn ra thành những tiểu vùng, trong đó có Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đây là dịp quan trọng để đánh giá lại việc phân 6 vùng như hiện nay đã hợp lý hay chưa. Mỗi vùng có chức năng, vai trò phát triển khác nhau, chúng ta phải làm thế nào để cộng hưởng sức mạnh đó thành sức mạnh của quốc gia.

“Mỗi vùng này hiện có nhiều địa phương, như một đoàn tàu kéo dài. Trong khi đó, đầu tàu thì không khoẻ, các toa tàu lại yếu dẫn đến cả đoàn tàu khó vận hành. Trước đây, chúng ta quan niệm rằng các địa phương phải có nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thì mới liên kết thành một vùng, nhưng quan niệm đó bây giờ không còn phù hợp. Sự khác biệt cũng là một lý do để liên kết, các địa phương có sự khác nhau khi liên kết sẽ tốt hơn” - PGS. TS Trần Đình Thiên nêu.

Xác định được nguồn lực để thực hiện quy hoạch

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phải bám sát vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát; bám sát vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp, các Nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết Đại hội Đảng gần đây; các Nghị quyết của T.Ư, Bộ Chính trị; pháp luật liên quan, đặc biệt là những tư tưởng, mục tiêu, chỉ đạo lớn.

Phải bám sát Luật Quy hoạch; bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không chệch hướng; bản quy hoạch này khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để chúng ta đi lên từ nội lực, từ nguồn lực bên trong, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài; phải hóa giải được những vấn đề mà mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế tích lũ lại từ nhiều năm nay như: nguồn nhân lực, hạ tầng, kết nối vùng, vấn đề chênh lệch giàu nghèo…

Xác định được không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ và chúng ta kế thừa, phát triển lên; vừa bám sát những vấn đề mới; đánh giá quy hoạch sát tình hình, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó xác định chỉ tiêu, vùng động lực, hành lang, vành đai… lấy từ những số liệu cụ thể “biết nói”.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, dữ liệu lớn vẫn là lỗi hệ thống mà chúng ta phải khắc phục, do đó, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, các cấp phải có cơ sở dữ liệu, phải chia sẻ, dùng chung.

Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát thực tiễn, đó là nông nghiệp, kiểm soát giá, trong đó bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu; Tôn trọng quy luật kinh tế thị trường là cạnh tranh, cung cầu nhưng khi cần, Nhà nước vẫn phải can thiệp; thiết lập hệ thống công cụ kiểm soát rủi ro.

Thủ tướng lưu ý, phải phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nền tảng như chế biến, chế tạo; hiện nay phải phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; phát triển dịch vụ logistics, ngân hàng, thương mại điện tử; phải phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí…, cho nên bản quy hoạch phải thể hiện được các vấn đề này.

Chú ý các quan điểm phát triển nhanh những bền vững, phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa với môi trường, đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, môi trường; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; mở rộng không gian phát triển ra đại dương, bầu trời và lòng đất.

Chú ý các xu thế hiện nay như: phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế phi carbon, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm; phát triển không gian văn hoá gắn với du lịch; lưu ý vấn đề chuyển đổi cơ cấu, xác định thứ tự ưu tiên, phát triển hệ sinh thái bảo đảm môi trường, nhất là xử lý các vấn đề môi trường như chất thải rắn, chất thải nguy hiểm; sử dụng đất hiệu quả, cả sử dụng không gian biển, lòng đất, bầu trời; xử lý vấn đề di dân, gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.

Thủ tướng đề nghị cập nhật cách thức huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch, gồm nguồn lực nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp, vay vốn nước ngoài, hợp tác công tư. Nguồn lực có nhân lực, tài lực, trong đó đặc biệt chú ý nguồn lực con người, xuyên suốt lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất của người Việt Nam; đồng thời đánh giá tác động của quy hoạch...