Theo Tổng cục Thống kê, quý I năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm sản và thủy sản tăng 4,05%. Đây là mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Cụ thể, giá trị sản xuất nông lâm sản và thủy sản 3 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 189.500 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 21,4% mục tiêu năm 2018.
Trong quý I, trồng trọt là lĩnh vực đóng góp nhiều “điểm sáng”. Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý I, sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 11,2 triệu tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo tăng. Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm 2017. Trong quý I, chăn nuôi là lĩnh vực duy nhất có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch được giao. Nguyên nhân là do từ đầu năm 2018, đã xảy ra hai đợt rét đậm, rét hại khiến 7.594 con gia súc, gia cầm bị chết. Thêm vào đó, tình hình chăn nuôi lợn chưa khởi sắc do giá vẫn ở mức thấp nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, Bộ NN&PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,05%. Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã thông tin về một số giải pháp. Theo đó, Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tập trung rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo ba trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Trong năm 2018, ngành cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản và thủy sản, nhất là chế biến rau củ quả và các sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn). Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục. Bám sát kịch bản tăng tưởng để chủ động các giải pháp. Ngay trong tháng 4/2018, các đơn vị phải thống nhất đầu mối kiểm tra lô hàng chồng chéo, tập trung cắt giảm các danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa quy trình kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, sớm ban hành nghị định sửa đổi các nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư, kinh doanh.