Cứ theo những gì được thể hiện trong bài phát biểu nhậm chức thì vị Tổng thống mới này theo đuổi mục đích mở ra thời kỳ mới thật sự cho Hàn Quốc.
Đáng chú ý nhất trong đó là tuyên cáo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng tăng trưởng kinh tế, giải quyết triệt để vấn đề thất nghiệp gia tăng và vấn đề chênh lệch giàu nghèo ngày càng thêm trầm trọng trong xã hội cũng như sự phân hoá rất rõ rệt trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Hàn Quốc.
Ông Yoon Suk-yeol vừa lên án chương trình hạt nhân của Triều Tiên, coi đấy là mối đe doạ an ninh lớn nhất hiện tại ở khu vực và cả ở bên ngoài khu vực nhưng đồng thời ngỏ ý sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên, dùng một "kế hoạch quả cảm" giúp Triều Tiên phát triển kinh tế - xã hội thịnh vượng làm đề nghị mời chào để đổi lấy việc Triều Tiên đi vào đối thoại và chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.
Nếu giải quyết được tất cả những vấn đề nói trên, tức là thực hiện được những tuyên cáo kia, thì đúng là Hàn Quốc sẽ có được một thời kỳ chính trị mới thật sự.
Nhưng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và giải quyết ổn thoả mọi vấn đề đối nội cũng như đối ngoại cấp thiết lâu nay chẳng phải cũng là những cam kết vận động tranh cử chính và những nội dung trọng tâm trên chương trình cầm quyền của người tiền nhiệm hay sao? Người này đã cầm quyền có thành quả nhưng không hoàn toàn thành công đơn giản vì "nói thì dễ mà làm cụ thể thì khó".
Ông Yoon Suk-yeol lại không bộc lộ cả trong quá trình vận động tranh cử lẫn từ sau khi đắc cử tổng thống đến nay là sẽ thực hiện những dự định nói trên như thế nào nhưng rồi đây chắc chắn sẽ nhanh chóng thấy "nói dễ mà làm thì khó".
Đối với Triều Tiên có thể được coi là ví dụ điển hình. Triều Tiên sẽ không bập vào đề nghị mời chào kia của ông Yoon Suk-yeol bởi ông Moon Jae-in đã đi xa còn hơn ông Yoon Suk-yeol rất nhiều về phía Triều Tiên mà vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đến nay đâu đã được giải quyết.