Rủi ro lớn nhất với thế giới, Mỹ suy thoái hay căng thẳng địa chính trị?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, nhận định không phải tình trạng lạm phát cao hay suy thoái kinh tế ở Mỹ, thay vào đó căng thẳng địa chính trị mới là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon. Ảnh: AP
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon. Ảnh: AP

Thị trường tài chính và hàng hóa thế giới biến động mạnh trong tuần qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu rằng có thể tiếp tục duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài CNBC hôm 26/9, ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ cho biết, các nước trên thế giới nên chuẩn bị đối phó với việc giá dầu và khí đốt nhảy vọt cùng với lãi suất tiếp tục “neo” ở mức cao hơn.

Vị CEO của JPMorgan Chase nhận định nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng có thể sẽ vượt qua bất kỳ lực cản nào với điều kiện không xảy ra bất ổn về địa chính trị. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu hiện tại đang đối mặt nhiều thách thức do cuộc chiến ở Ukraine đã làm leo thang căng thẳng giữa các cường quốc trên thế giới.

Ông Dimon: “Tôi nghĩ yếu tố địa chính trị là vấn đề gây lo ngại hàng đầu với nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, chúng tôi cũng không thể đưa ra những dự đoán chính xác về tác động của căng thẳng địa chính trị đối với nền kinh tế Mỹ”.

Theo đại diện của JPMorgan Chase, thị trường tài chính toàn cầu chịu áp lực trong những tháng gần đây chủ yếu do đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Ông dự đoán, nền kinh tế của các nước Đông Âu trong năm nay có thể sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng cuộc chiến tại Ukraine, vấn đề dầu mỏ - khí đốt, di cư và lương thực - tất cả đều ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước" - CEO Dimon cho hay.

Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ duy trì lập trường trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hai cường quốc châu Á cũng nỗ lực trong việc đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm đem lại hòa bình cho Ukraine.

Hồi tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã công bố kế hoạch gồm 12 điểm kêu gọi Moscow và Kiev chấm dứt giao tranh, bảo vệ các nhà máy hạt nhân, nối lại cuộc đàm phán hòa bình và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kế hoạch của Bắc Kinh dường như có rất ít cơ hội thành công do Kiev tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi Nga rút khỏi lãnh thổ, trong khi Moscow không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian tới. 

Việc hai quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine đã làm “phật lòng” Mỹ và châu Âu, những nước đã hỗ trợ nguồn tài chính và vũ khí khổng lồ cho Ukraine với quan điểm rằng chỉ có chiến thắng của Kiev mới khôi phục được trật tự quốc tế.

CEO JPMorgan Chase cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ “dễ thở” hơn khi các nước có liên quan tìm được giải pháp giúp chấm dứt cuộc xung đột quân sự hiện tại ở Ukraine.

Ngoài ra, ông Dimon lưu ý rằng việc Mỹ và Trung Quốc nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề thương mại và an ninh quốc gia là tín hiệu tích cực. Đồng thời, lãnh đạo ngân hàng JPMorgan Chase kỳ vọng hai nước sẽ có thêm nhiều cuộc thảo luận trong tương lai để tái cân bằng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Washington và Bắc Kinh.

Khi được hỏi liệu căng thẳng địa chính trị có phải là rủi ro lớn nhất đối với thế giới trong thời điểm hiện tại hay không, ông Dimon trả lời: “Điều đó là chắc chắn. Trước đây, chúng ta từng đối mặt với tình trạng lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ thế giới gặp phải những trở ngại lớn như thời điểm hiện tại kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai”.