“Từ bến sông Nhùng” dày gần 400 trang là tiểu thuyết về cuộc đời thật của nhà báo Phan Hoàng, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Cuốn sách là câu chuyện dài về một con người mà cuộc đời gắn liền với số phận của đất nước và dân tộc; với sự hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Được sống và làm việc với nguyên mẫu, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã sử dụng tối đa thế mạnh, sở trường báo chí và cảm xúc văn chương để khắc họa nhân vật Phan Hoàng vừa thực vừa hư; vừa có cái chung lại vừa có nét riêng độc đáo.
Qua 9 chương sách, nhà báo Phạm Quốc Toàn khéo léo khắc họa chân dung ký giả Phan Hoàng - một thanh niên trí thức, ra đi từ bến sông Nhùng để trở thành một nhà báo, nhà văn, dịch giả, học giả... Đó chính là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình ở một thời sơ khai, gian nan của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh khắc họa một nhà báo Phan Hoàng chỉn chu, mực thước, trong “Từ bến sông Nhùng”, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã mô tả sâu đậm tính cách của một số người mượn danh nhà báo để vụ lợi, xa rời tôn chỉ mục đích và quy định của nghề báo. Đồng thời, qua nhân vật Phan Hoàng, nhà báo Phạm Quốc Toàn gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai một thông điệp: Nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say, cái tâm nhưng dường như đó là điều kiện tiên quyết đối với nghề báo.
Theo tác giả Phạm Quốc Toàn, “Từ bến sông Nhùng” lôi cuốn người đọc bởi viết về người thực, việc thực bằng cảm xúc mãnh liệt; có yêu thương, kính trọng hết mình, có bức bối, giận hờn nung nấu từ con tim, từ gan ruột dồn nén thành cái hay, cái dở làm nên tính cách riêng có của từng nhân vật.
Quá trình trưởng thành và phát triển của nhân vật chính được tác giả viết dưới dạng tự sự, trần thuật, hoặc qua nhân vật phụ thuật lại. Theo đó, nhờ sức khái quát tài tình của tác giả đã tạo nên một xã hội thông tin, đời sống báo chí sống động, cởi mở với những vấn đề nảy sinh từ nghề nghiệp nghiệt ngã, từ những quy định đạo đức nghiêm cẩn.