Chính sách phát huy hiệu quả, kinh tế khởi sắcNgày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP (Nghị quyết 128) quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết 128 được ban hành nhằm thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.Nghị quyết 128 quy định các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch, quy định rõ ràng những việc được phép và không được phép đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ... áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương được thông suốt; hạn chế được sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ; hoạt động vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn, kích thích nhiều lĩnh vực, ngành, nhiều nơi; từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng |
Càng về cuối năm 2021, “sức khỏe” của các DN Việt càng có tín hiệu phục hồi, được phản ánh qua các con số tích cực như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 5,5% so với tháng 10/2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD tháng 11/2021, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, cán cân thương mại đã giành lại được vị thế xuất siêu với 225 triệu USD. Nếu phong độ này tiếp tục được giữ vững trong tháng còn lại, xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ thiết lập kỷ lục mới với trên 600 tỷ USD trong năm nay, góp phần tích cực vào việc hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra. Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 nhiều tỉnh, TP trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước phát triển kinh tế trong trạng thái mới. Ghi nhận của Bộ Công Thương, nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho DN theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rất tích cực thực hiện giải pháp hỗ trợ DN gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…Trong tháng 11/2021, hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, TP tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực. Điển hình, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.Doanh nghiệp tăng tốcĐể có được thành tựu trên, có phần đóng góp của các DN đã chủ động tìm cách vượt khó khăn. Bên cạnh những con số thống kê, là sự năng động của cộng đồng DN trong nước. Linh hoạt, không khoanh tay trước những khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Tháng 11/2021 có 11.902 DN gia nhập thị trường với số vốn đăng ký 149.861 tỷ đồng, tăng 44,6% về số DN, tăng 38% về số vốn so với tháng 10/2021. Đây là tháng có số lượng DN gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021 - thời điểm làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Việt Nam có 4.958 DN trở lại hoạt động trong tháng 11/2021, cao nhất kể từ tháng 4/2021. Các kết quả trên tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng, sự đúng hướng, kịp thời, hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 128; cho thấy niềm tin của DN vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế. Phó Giám đốc Công ty Kim Minh International Lưu Vũ Ngọc Ngân chia sẻ bí quyết giữ vững đơn hàng xuất khẩu trong mùa dịch là ứng dụng linh hoạt phương pháp “lạt mềm buộc chặt”. Công ty khuyến khích nhân viên khai thác triệt để các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiếp cận các nhà nhập khẩu trên thế giới; tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng khách hàng trong nhiều lĩnh vực.Đại diện Công ty TNHH Nước khoáng thiên nhiên Oris cho biết, Nghị quyết 128 đã giúp cán bộ, công nhân của công ty đi lại giữa các vùng giáp ranh được thuận lợi. Nhà máy có thể sản xuất một cách đều đặn, công nhân đủ thu nhập... Giám đốc Công ty CP Xuân Hòa Lê Duy Anh cũng xác nhận, sau Nghị quyết 128/NQ-CP, DN tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Thông qua việc đánh giá năng lực quản trị để nâng cao khả năng điều hành và kỹ thuật trong sản xuất, củng cố, cải thiện sức cạnh tranh và hiện nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn trước. Cùng với các DN sản xuất, các DN du lịch cũng đang nỗ lực phấn đấu, nhiều DN đã xây dựng thành công các tour du lịch nội địa. Một số địa phương đang xây dựng lộ trình đón khách quốc tế… Những thách thức mớiBan Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 2 cuộc khảo sát về khó khăn của DN và người lao động. Đánh giá về triển vọng phục hồi, 22% DN ở diện “đang hoạt động” cho biết đã phục hồi như trước dịch, 45% DN cho biết nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128 thì DN sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Trên cơ sở kết quả thực tiễn khảo sát và trao đổi, thảo luận với lãnh đạo của gần 40 Hiệp hội DN, Ban IV đề xuất Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho DN có sức phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128; sớm triển khai chương trình đối thoại công - tư giữa cộng đông DN với Lãnh đạo Chính phủ để đóng góp các giải pháp, hiến kế cho mục tiêu đảm bảo tăng trưởng hậu Covid-19.Chính phủ cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhằm giúp các DN từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó là cải cách thể chế.
“Quốc hội ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết 30/2021/QH15, trao quyền giao Chính phủ triển khai những biện pháp chưa từng có tiền lệ, có thể đụng chạm đến quy định của pháp luật để cắt giảm quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư của khu vực tư nhân; cắt giảm điều kiện kinh doanh... DN đã rất chủ động, đã thay đổi tư duy để tìm cách đi mới và bây giờ Chính phủ thực hiện cam kết, định hướng cải cách thể chế” - TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ.Trong buổi gặp mặt cộng đồng doanh nhân vào ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nhìn nhận, những chính sách đã ban hành về hỗ trợ người dân, DN là nỗ lực lớn, nhưng chưa đạt yêu cầu so với mong muốn và mức độ ảnh hưởng dịch bệnh. Vì thế, Thủ tướng khẳng định sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Quốc hội và Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu, căn cứ điều kiện và tình hình cụ thể để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, đồng thời vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của đất nước.
"Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi toàn bộ quan điểm phòng, chống dịch của Chính phủ, từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19," phù hợp với bối cảnh thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế. Cộng đồng DN, trong đó có DN FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư." - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Eurocham Nguyễn Hải Minh |