Không chèn giờ dạy liên kết vào chính khóa
Năm học 2023 – 2024 diễn ra được tròn 1 tháng. Bên cạnh nhiều hoạt động tích cực để triển khai nhiệm vụ năm học mới, ngành GD&ĐT Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, dạy và học, giáo dục đạo đức lối sống, thu chi đầu năm…Những nội dung này đã được ngành thẳng thắn nhìn nhận, thảo luận để cùng tháo gỡ giải quyết và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra trong thời gian tới.
Chia sẻ về một trong những tồn tại trên, ông Đào Tân Lý - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, không ít trường học hiện nay thực hiện các hoạt động ngoài giờ chính khóa không đúng quy định, từ đó gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Khi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, giáo viên cần phải thực hiện đầy đủ các tiết bắt buộc, không được cắt xén hay giảm bớt. Ví dụ hiện tại, định mức của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, thầy cô phải thực hiện hết, trừ những giờ giảm trừ theo quy định, tránh tình trạng giáo viên chưa làm hết định mức đã thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Chỉ khi đã thực hiện đầy đủ chương trình của Bộ GD&ĐT, còn thời gian trống, giáo viên mới thực hiện tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa”- ông Lý nêu quan điểm.
Hiệu trưởng có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khoá của học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Các trường không được sắp xếp các tiết hoạt động ngoài giờ chính khoá xen vào giờ chính khoá nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tham gia.
Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng cần khoa học, không được gây quá tải cho học sinh. Nhà trường có thể đưa ra nhiều nội dung, chương trình đa dạng, nhưng cần khuyến cáo không để học sinh chọn tất cả nội dung, chỉ chọn 1-2 chương trình, đảm bảo vừa sức, vừa thời lượng, không gây quá tải cho học sinh hay áp lực, khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Với giáo dục STEM, ông Đào Tân Lý thông tin: Bản chất của giáo dục STEM là phương pháp dạy học, không phải nội dung dạy học. Do đó, nội dung nào trong chương trình phù hợp, nhà trường mới áp dụng phương pháp này, không phải nội dung nào cũng dạy STEM. Phương pháp STEM là nội dung mới, yêu cầu bắt buộc của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giáo dục STEM do các đơn vị bên ngoài đưa vào.
Thời gian qua, nhiều phụ huynh bức xúc khi những tiết học ngoài giờ lên lớp và giờ học tự nguyện (ví dụ các môn kỹ năng sống, STEM, tiếng Anh…) bị xếp xen kẽ với những giờ học bắt buộc. Trước tình trạng này, cuối tháng 9, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở tăng cường quản lý, chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy định liên kết, tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.
Nghiên cứu kỹ quy định để thực hiện đúng chỉ đạo của ngành
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã có các văn bản hướng dẫn chi tiết về công tác đảm bảo an ninh trường học. Trước một số vụ vi phạm, Sở GD&ĐT đề nghị các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và nhà trường tăng cường chỉ đạo, quán triệt, kiểm tra các vụ việc và lấy đó làm kinh nghiệm cho mình. Khi có sự việc xảy ra, cần có thông tin báo cáo kịp thời; phối hợp chặt chẽ với địa phương và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm.
Về việc dạy kỹ sống, Sở đề nghị các nhà trường thực hiện trên nguyên tắc tự nguyên, tránh gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Sở sẽ sớm có văn bản chỉ đạo về nội dung giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa để các nhà trường thực hiện nền nếp, thống nhất.
Với hoạt động trải nghiệm, dã ngoại, Sở đã có quy định, hướng dẫn chi tiết gửi các nhà trường và lưu ý các đơn vị tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm tại những di tích quanh Hà Nội như Hoàng Thành, Văn Miếu, Cổ Loa….. “Sắp tới, Sở sẽ ký văn bản liên tịch với các đơn vị có di tích nổi tiếng tại Hà Nội, đề nghị các nhà trường quan tâm triển khai thực hiện”- Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học Công nghệ Trần Thị Thu Hà cho biết.
Trưởng phóng Giáo dục Mầm non Hoàng Thanh Hương khẳng định: Công tác đảm bảo an toàn là nhiệm vụ hàng đầu của cấp học mầm non. Qua những sự việc không mong muốn thời gian qua, đề nghị các đơn vị tiếp tục quán triệt chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học, hướng dẫn chuyên môn; trong đó có việc kiểm tra các cơ sở đang hoạt động, huy động địa phương kiểm tra các cơ sở hoạt động chui, cấp phép không đúng. Khi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, cần kiên quyết xử lý dứt điểm và có khâu hậu kiểm kỹ càng để đảm bảo cơ sở đó đã chấp hành quy định.
Về vấn đề thu chi đầu năm học, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính Hoàng Thị Thu Phương lưu ý thủ trưởng các đơn vị về việc quán triệt triển khai đúng văn bản quy định của TƯ, TP và Sở về tăng cường quản lý công tác thu chi đầu năm, thống nhất bằng văn bản các khoản thu khác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở công lập theo phân cấp; kịp thời chấn chỉnh nếu có biểu hiện lạm thu, thu chưa đúng quy định; xử lý nghiêm hiệu trưởng các nhà trường thực hiện thu chi không đúng quy định. Với các đơn vị trực thuộc, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác thu chi theo thẩm quyền; đồng thời lưu ý việc sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết.
Trước một số vụ việc vi phạm chuẩn mực và đạo đức nhà giáo xảy ra thời gian qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định sẽ xử lý nghiêm, không bao che những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề giáo.
"Thầy cô là tấm gương sáng để học sinh noi theo, học tập. Khi đã theo nghề giáo thì mỗi người cần xác định việc giữ gìn chuẩn mực đạo đức là trách nhiệm, là lương tâm. Thầy cô, nhà trường cần đặt tình thương và quyền lợi của học sinh lên hàng đầu để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghề giáo cũng như sự trong sáng của môi trường sư phạm", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ.