Hành vi kéo lê học sinh có thể xem là bạo lực học đường
Theo dõi sự việc qua mạng xã hội và báo chí, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm công tác quản lý giáo dục, nhà giáo Trần Anh bày tỏ: “Dù đứng ở góc độ nào, cách hành xử của cô giáo cũng quá sai và đáng phê bình, lên án”.
Theo nhà giáo Trần Anh, là một người trưởng thành cũng không nên ứng xử như vậy, huống hồ cô là một giáo viên chủ nhiệm, được đào tạo bài bản tại Trường ĐH Sư phạm để dạy môn Giáo dục công dân cấp THPT – môn học có sự đòi hỏi cao về nhận thức, hiểu biết, ứng xử xã hội.
Đặt tình huống cô giáo và nữ sinh đã thống nhất về mẫu mã, cửa hàng đặt bánh sinh nhật nhưng vì lí do nào đó, nữ sinh lại lấy bánh ở cửa hàng khác và cô giáo nói là “nhiều lần học sinh đó mắc lỗi này” thì có thể suy luận là cô giáo rất bực bội với học sinh. Đó là lý do dẫn đến cơn giận và chuỗi ứng xử tiếp theo của cô giáo.
“Giả sử gặp tình huống như vậy, cô giáo có thể gọi học sinh và bảo rằng: “Cô đã đặt bánh ở cửa hàng đó, họ đã làm theo mẫu của mình mà giờ con lại sang cửa hàng khác. Điều đó vừa gây lãng phí lại làm chủ cửa hàng nghĩ cô nói một đằng làm một nẻo. Cô mong con rút kinh nghiệm. Và cô có thể bảo học sinh khác ra lấy chiếc bánh cô đã đặt để mang về lớp… Nếu làm được như vậy, học sinh vừa rút kinh nghiệm, vừa biết ơn cô mà cả cô, cả trò đều có buổi liên hoan vui vẻ. Nhưng ở đây, cô đã có ứng xử vừa kém chuyên nghiệp, vừa thiếu tinh tế lại thiếu tình người và có phần bất nhẫn với một đứa trẻ. Cái “tôi” của cô quá lớn, bước qua lằn ranh đạo đức nghề nghiệp để thỏa cơn nóng giận nhất thời …” – nhà giáo Trần Anh phân tích.
Cũng theo thầy Trần Anh, giáo dục tích cực phản đối mạnh mẽ lối hành xử của cô giáo nói trên. Kỷ luật tích cực là không được phép tước đoạt quyền học tập của học sinh; nếu học sinh mắc lỗi thì xử lý ngoài giờ để không ảnh hưởng đền quyền học tập của các em. Nữ sinh trong clip là Bí thư chi đoàn của lớp chắc hẳn đã lo sợ, xấu hổ với bạn bè, đổ vỡ niềm tin với cô giáo… khi rơi vào tính huống đó.
Chưa dừng lại, hành động kéo lê học sinh của cô lại càng nghiêm trọng hơn, nó là biểu hiện của hành vi bạo lực học đường vì có tác động vật lý đến khách thể khác khi không được phép. Theo các chuyên gia, những hành vi gây tổn thương cho học sinh về tinh thần và thể chất có thể xem là bạo lực học đường.
Cần quan tâm hơn đến tâm lý học sinh
TS Nguyễn Thị Chính - Viện Tâm lý học - Viên Hàn lâm KHXHVN, chuyên viên tâm lý học đường nêu quan điểm: “Trong môi trường học đường, có rất nhiều tình huống rắc rối có thể xảy ra. Từ một sự việc nhỏ nhưng do tức giận và thiếu sự kiểm soát cảm xúc, cô giáo đã đẩy sự việc trở nên phức tạp và có hành vi tác động không phù hợp sau đó. Sau sự việc, cô giáo đã nhận thức về những hành vi chưa đúng mực và chắc cũng đã rút ra bài học cho mình. Tôi mong giữa học sinh, gia đình và cô giáo sẽ tìm được sự thấu cảm và hòa giải được với nhau. Tôi cũng mong những người đang giữ vai trò là người thầy lấy đây là bài học cho mình trong cách cư xử với học sinh”.
Theo TS Chính, để hạn chế sai sót như trong trường hợp này, người giáo viên cần ý thức được quyền hạn của mình cũng như quyền của học sinh bởi theo cách hành xử trước đây, người giáo viên có xu hướng “lạm dụng quyền lực” của mình mà quên mất học sinh có quyền được tôn trọng, quyền được tham gia ý kiến,... Từ ngôn ngữ giao tiếp, từ cách giao nhiệm vụ và kiểm tra nhiệm vụ của học sinh, người giáo viên luôn phải tự nhắc nhở mình về phạm vi quyền của mình đến đâu.
Thêm nữa, giáo viên cần ý thức về cảm xúc của mình và biết cách chuyển hóa nó nếu nhận ra cảm xúc đó có nguy cơ gây hại cho mình. Nguyên tắc là khi đang ở cao trào cảm xúc thì điều đầu tiên là “dừng” lại mọi thứ (lời nói và hành động), tránh tình huống “cả giận mất khôn”. Để có khoảng lặng, giáo viên có thể đi uống nước, ra khỏi lớp học trong vòng vài phút.
Mặt khác, giáo viên cần lưu ý đến bầu không khí tâm lý là quan trọng. Chẳng hạn, chiếc bánh không đúng yêu cầu hoặc thậm chí không có bánh nhưng cả lớp và cô giáo vẫn có thể tạo ra một bữa liên hoan vui vẻ chứ không nhất định là mọi cái cần diễn ra theo đúng dự kiến ban đầu.
“Đối với cộng đồng, tôi cũng mong mọi người “lên án” một cách đúng mực để không biến cô giáo trong trường hợp này trở thành nạn nhân của một “bạo lực” tinh thần hay thể chất tiếp theo. Đối với những hành vi chưa đúng mực, cô giáo sẽ chịu trách nhiệm trước hội đồng nhà trường và ngành một cách thích đáng. Trong nhà trường hay xã hội, chúng ta luôn cần sự cảm thông và cái nhìn bao dung lẫn nhau”- TS Chính bày tỏ.
Đồng tình quan điểm trên. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Sai lầm của cô giáo phần nào đã rõ và cô đã, sẽ phải nhận trách nhiệm vì hành vi mình gây nên trước nhà trường, trước cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều phải quan tâm hơn ở đây là những tổn thương mà nữ sinh đang gánh chịu. Ngoài việc thăm hỏi, động viên, xoa dịu học sinh, nhà trường cần cử giáo viên khác sát sao hơn với em, thường xuyên sẻ chia, quan tâm đến em để em lấy lại cân bằng và giảm thiểu tổn thương về sức khỏe, tinh thần cho em”.
Liên quan đến clip giáo viên kéo lê học sinh xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc và mới đây là clip thầy giáo có lời nói, hành động không chuẩn mực với học sinh tại Trường THPT Phan Huy Chú – Thạch Thất, Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo nhà trường khẩn trương phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ sự việc, báo cáo về Sở. Tinh thần chỉ đạo của Sở là nghiêm khắc với sai phạm, tuyệt đối không bao che, nể nang với các hành vi không chuẩn mực của nghề. Sở cũng thời yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác quản lý, xây dựng văn hoá học đường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.
Với clip ghi lại hình ảnh xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc, trước khi chờ kết luận của cơ quan công an, Sở GD&ĐT có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường tạm đình chỉnh công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và công tác tư vấn tâm lý học đường với giáo viên gây nên hành vi kéo lê học sinh; bố trí giáo viên thay thế đảm bảo quy định hiện hành để hoạt động giáo dục của nhà trường diễn biến bình thường theo kế hoạch của đơn vị.