Huyện Sóc Sơn luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Để làm tốt công tác này, ngay từ đầu năm 2019, địa phương đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ trên 2.941ha rừng cho người dân. Phân công lực lượng tổ chức ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên tuần tra, giám sát tại 10 vị trí có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Huyện cũng đã cấp phát bổ sung 10 máy thổi gió cho các xã phục vụ công tác PCCC rừng; bố trí 3,6 tỷ đồng cho các xã, thị trấn có rừng và ngành chức năng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội triển khai xây dựng trên 132km đường cấp thực bì giảm vật liệu cháy để ngăn lửa khi có hỏa hoạn...
Mặc dù đã có sự vào cuộc khá chủ động, tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 4 vụ cháy rừng tại các xã: Minh Trí, Nam Sơn và Phù Linh (2 vụ). Một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng bùng phát, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, là bởi tính chất rừng trồng thuần loài, độ che phủ cao trên 80%; địa hình phức tạp; thảm thực bì dày, rậm rạp được tích tụ qua nhiều năm.
Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng còn hạn chế. Đặc biệt, tại huyện Sóc Sơn hiện còn có 11km chiều dài rừng nằm giáp ranh với các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, cùng với đặc điểm “dân có trước, rừng có sau”, do đó, việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn…
Dù các vụ cháy đều được phát hiện và dập tắt kịp thời, tuy nhiên, nhiều người dân địa phương vẫn cảm thấy lo lắng do tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng, bà Vi Thị Bình Anh kiến nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, đầu tư 11km đường băng trắng tại các vùng giáp ranh với hai tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để phòng, chống cháy rừng lan sang từ các tỉnh lân cận.
Đồng thời hỗ trợ nâng cấp các hạng mục như bể nước, biển báo, biển cấm, nhất là các tuyến đường lâm nghiệp để tạo điều kiện di chuyển thuận lợi cho các phương tiện chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn…
Cùng với nâng cấp hạ tầng phòng, chống cháy rừng, đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng kiến nghị TP sớm chỉ đạo các sở, ngành rà soát, lập đề án điều chỉnh quy hoạch rừng, trên cơ sở bóc tách các diện tích đất ở, đất nông nghiệp, đất quân sự và đất quy hoạch các dự án ra khỏi quy hoạch chung đã được TP phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.
Hiện, tổng diện dích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng toàn TP là 27.159ha; trong đó, diện tích đất có rừng là 19.637ha, diện tích đất chưa có rừng là 7.522ha. Diện tích rừng của Hà Nội được phân bố chủ yếu tại 7 huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Sơn Tây. |