Chúc mừng năm mới

Sơn La: phát triển công nghiệp chế biến theo Nghị quyết 06-NQ/TU

Hiền Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, lĩnh vực công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hiện tỉnh Sơn La có hơn 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Một số cây trồng có diện tích, sản lượng lớn, như mận, nhãn, xoài, na, dâu tây... Địa phương có 17 nhà máy, hơn 540 cơ sở chế biến nông sản. Mỗi năm, công suất chế biến từ vài chục đến hàng nghìn tấn xoài, nhãn, cà phê, sắn, dứa, mận hậu, ngô ngọt, chuối, mắc ca, quả sơn tra, các loại rau củ... góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị nông sản.

Các sản phẩm trái cây của Sơn La còn được các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến thành các sản phẩm trái cây sấy dẻo, sấy giòn, nước cốt, nước ép, long nhãn...

Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp mạnh, có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp mạnh, có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, lĩnh vực công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất mở rộng, từng bước áp dụng công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản năm 2024 ước đạt 5.360 tỷ đồng, tăng 8,05% so với năm 2023, đạt trên 82% mục tiêu Nghị quyết.

Đối với giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu, giai đoạn 2021-2023 của tỉnh tăng bình quân 18,5%/năm, trong khi mục tiêu Nghị quyết đặt ra tăng 12%/năm; giá trị nông sản chế biến tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2024 ước đạt 175 triệu USD, tăng 19,25% so với năm 2023, vượt mục tiêu nghị quyết 6 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, gồm: cà phê, chè, tinh bột sắn, long nhãn, xoài...

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La thu hút đầu tư thêm 11 dự án chế biến nông sản quy mô lớn, có nhà máy đã đi vào hoạt động góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, như: dự án Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco, huyện Mai Sơn; Nhà máy chế biến cà phê Công ty Cổ phần Chế biến cà phê Sơn La…

Ngoài ra, tỉnh còn 3 dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu công nghiệp Mai Sơn, gồm: Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy, Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại đầu tư VFI; Nhà máy đóng gói và chế biến hoa quả Solas, Công ty Cổ phần Bảo Lâm Sơn La; Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La, Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Sơn La. Như vậy, thu hút đầu tư dự án chế biến nông sản dự kiến vượt mục tiêu Nghị quyết.

Theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, năm 2025, đơn vị tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu cho tỉnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Phối hợp tham mưu chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bố trí nguồn lực, tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ hiện nay chưa đạt theo tiến độ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp mạnh, có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản; tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy chế biến hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ.

Để tạo sức hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán lập Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La; Đề án xây dựng Sơn La thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án được triển khai sẽ mở ra cơ hội, thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn, phát triển sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.