Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo cơ chế khôi phục, duy trì nông nghiệp sinh thái

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đề xuất, việc đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái là điều cấp bách. Hy vọng Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý để Hà Nội khôi phục và duy trì ngành nông nghiệp sinh thái ven đô xanh, sạch, đẹp và giàu có.

Tạo “vành đai xanh” cho các khu đô thị, khu dân cư

Góp ý vào việc nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho hay, mặc dù đóng góp vào GDP của TP với tỷ trọng không lớn song nông nghiệp là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng đảm bảo tính ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Sản xuất nông nghiệp đã góp phần cơ bản để ổn định thị trường, đời sống và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn Hà Nội, là cơ sở vững chắc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Thủ đô có vai trò trọng yếu tạo nên “vành đai xanh” cho các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp…, là cơ sở để mang lại sức hấp dẫn cho phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ xã hội. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp còn quan hệ mật thiết tới vai trò cải thiện điều kiện sinh thái - môi trường - môi sinh của vùng lãnh thổ đô thị phát triển theo hướng hiện đại - văn minh, hài hòa bền vững với cảnh quan xanh - sạch - đẹp và giàu sức sống truyền thống nhân văn của Thủ đô văn hiến.

Canh tác rau thủy canh tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
Canh tác rau thủy canh tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng

Cơ bản nhất trí với đề xuất chính sách khi xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị. Trong đó, TP ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất các loại cây trồng tại các huyện phát triển thành quận như các lợi cây ăn quả, các loại  hoa (hoa đào, hoa lan…) góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tạo cảnh quan cho đô thị.

Đối với chính sách hỗ trợ xử lý phụ phẩm, chất thải hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, góp phần tạo môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp, TP ban hành chính sách hỗ trợ xử lý phụ phẩm cây trồng (bằng chế phẩm sinh học) tại chỗ làm phân bón hữu cơ để hạn chế người dân đốt rơm rạ gây khói bụi ảnh hưởng đến chất lượng không khí; là nguồn phân bón hữu cơ tái bổ sung vào đất rất tốt nhằm giảm sự suy giảm của chất lượng đất trồng trọt, là nguồn phân bón để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

"Cùng đó, ban hành chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi (bằng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học,…) để làm phân bón hữu cơ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, là nguồn phân bón để sản xuất nông nghiệp hữu cơ” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thoa đề xuất.

Đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái là cấp bách
GS-TS Trần Khắc Thi (Viện Nghiên cứu Nông lâm nghiệp Thăng Long) cho hay, với xu thế đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra hàng ngày, đất nông nghiệp ngoại thành càng giảm trong khi nhu cầu nông sản càng tăng nên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là càng cấp thiết vì những ưu điểm nổi trội.

Cụ thể, về đột phá về năng suất: Do đáp ứng tối đa nhu cầu cây trồng, năng suất nhiều loại cây đạt tới mức tiềm năng. Về an toàn vệ sinh thực phẩm: Do cây trồng được nuôi dưỡng trong nhà và nguồn dinh dưỡng trực tiếp, cân đối nên hạn chế tối đa tác động của môi trường, sâu bệnh hại. Thời gian sinh trưởng của cây rút ngắn hơn, có thể trồng nhiều vụ trong năm, hạn chế hiện tượng giáp vụ rau quả, điều khiển hoa, cây cảnh nở theo ý muốn. Cùng đó, giảm chi phí lao động: Nếu một héc ta dưa chuột trồng ngoài đồng, một vụ cần 600-700 công lao động, trồng trong nhà không cần quá 200 công do giảm chi phí tưới nước, bón phân, nhặt cỏ...

Theo GS-TS Trần Khắc Thi, về phát triển nông nghiệp đô thị, trên địa bàn Hà Nội, nông nghiệp đô thị xuất hiện như một đối tác bắt buộc trong quan hệ mới về xây dựng xã hội và không gian sống ở TP. Theo đó, nông nghiệp đô thị phải đảm bảo được sử dụng hết diện tích đất có thể khai thác nhằm thiết lập một không gian sản xuất nông nghiệp vững chắc ở gần TP. Sự tồn tại của nông nghiệp đô thị phải hướng vào cải thiện đời sống thị dân thông qua chất lượng môi trường tốt hơn; truyền bá được giá trị văn hóa về cảnh quan, giáo dục và vui chơi giải trí lồng ghép trong các đề án liên quan đến giáo dục nông nghiệp.

Nhiều năm qua, nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, đã có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng đô thị, tạo nên cho Hà Nội một cấu trúc hài hòa. Các làng của Hà Nội trước đây không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm, nơi thư giãn vui chơi của cư dân TP mà các hồ, đầm ngoại vi và các làng ven đô đã từng là khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của TP.

“Ngày nay, những cảnh quan này gần như đã mất. Việc đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái dạng như Xuân Quan, Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) giáp Hà Nội là điều cấp bách. Hy vọng Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý để Hà Nội khôi phục và duy trì ngành nông nghiệp sinh thái ven đô xanh, sạch, đẹp và giàu có” - GS-TS Trần Khắc Thi đề xuất.