Hôm nay, 8/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030.
Công cụ quan trọng giúp đánh giá chính xác tình hình CCHC
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, ngày 10/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-BNV phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022-2030. Đây là công cụ quan trọng giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác, khách quan tình hình triển khai các nhiệm vụ CCHC; đối với địa phương, thông qua kết quả chỉ số CCHC, lãnh đạo các địa phương có cơ sở để tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan CCHC một cách thực chất, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
"Thời gian qua, đã có nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan CCHC cho phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách. Do vậy, cần rà soát để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp những quy định, chỉ tiêu mới. Ngoài ra, các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học (XHH) cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp xu thế phát triển của CNTT, công nghệ số nhằm nâng cao hơn nữa tính khách quan, công khai, minh bạch, công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, tỉnh"- ông Trương Hải Long nhấn mạnh.
Trình bày dự thảo “Đề án xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2024-2030, ông Phùng Doãn Hưng - Chuyên viên chính Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho biết, mục tiêu cụ thể của Đề án là đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, tỉnh. Đồng thời, đánh giá định lượng kết hợp định tính; đánh giá kết quả CCHC với tác động của CCHC; kết hợp đánh giá bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đánh giá bên ngoài của người dân, tổ chức đối với kết quả CCHC hàng năm của các bộ, tỉnh; so sánh, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, tỉnh.
Thông qua đó, các cơ quan hành chính có thể nhận rõ những kết quả được cũng như tồn tại, hạn chế để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả CCHC hàng năm.
Về đối tượng áp dụng, gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ), trong đó 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại; cùng 63 UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Về Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 97 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá của Chỉ số CCHC là 100. Điểm đánh giá qua điều tra XHH là 30,5/100. Phương pháp đánh giá gồm tự đánh giá của các bộ và đánh giá thông qua điều tra XHH.
Về Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh, được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100. Điểm đánh giá qua điều tra XHH là 32/100. Phương pháp đánh giá gồm tự đánh giá của các tỉnh và đánh giá thông qua điều tra XHH.
Bên cạnh đó, dự thảo Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như: nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành đối với việc xác định Chỉ số CCHC; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá CCHC tại các cơ quan, đơn vị hành chính; tăng cường ứng dụng CNTT, bảo đảm kinh phí cho công tác xác định Chỉ số CCHC…
Hướng dẫn cụ thể để triển khai thống nhất
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã chia thành các nhóm thảo luận, góp ý. Trong đó, các ý kiến tại Nhóm chỉ đạo, điều hành thể hiện đồng thuận cao với các tiêu chí, thang điểm và phương pháp đánh giá; tuy nhiên, về thực hiện kế hoạch CCHC, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh tăng điểm lên và tiêu chí 1.3.1. Tỷ lệ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện được kiểm tra trong năm, đề nghị bổ sung kiểm tra đối tượng các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương có thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).
Nhóm cải cách thể chế đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Nội vụ, công tác tổ chức khoa học và thống nhất cao với các tiêu chí. Song, đối với tiêu chí 2.2, thực hiện công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực định kỳ hàng năm chuyển thành tiêu chí thành phần của tiêu chí 2.3; kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.
Nhóm cải cách TTHC đề nghị không trừ điểm công bố, công khai TTHC do lỗi chậm ban hành văn bản của Trung ương…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, phản biện các góp ý của các Nhóm, giúp Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Đề án.
Tổng kết Hội thảo, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng đánh giá cao các đại biểu rất trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến, Bộ Nội vụ sẽ nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến một cách tổng thể để chỉnh sửa tối đa những nội dung bất cập trên tinh thần sửa đổi phù hợp và tốt hơn Bộ tiêu chí đã được quy định tại Quyết định 876/QĐ-BNV.
Để có thêm thông tin hoàn thiện Đề án, ông Phạm Minh Hùng đề nghị 5 bộ có liên quan (Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, TT&TT, Văn phòng Chính phủ) cùng Bộ Nội vụ nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu, sửa đổi và tiếp tục có ý kiến đối với các nhóm tiêu chí thuộc Bộ mình, gửi đến Bộ Nội vụ chậm nhất trong ngày 14/11/2024.
Với các địa phương, ông Phạm Minh Hùng đề nghị nếu có thêm ý kiến bổ sung thì gửi Bộ Nội vụ chậm nhất cũng trong ngày 14/11/2024 để Bộ tiếp thu tổng thể, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành.
"Sau khi ban hành Đề án, Bộ Nội vụ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương nắm vững và triển khai thống nhất; đồng thời tiếp tục hoàn thiện, cập nhật phần mềm chấm điểm theo Bộ chỉ số sửa đổi, bổ sung; sửa đổi các câu hỏi đánh giá…"- Vụ trưởng Vụ CCHC thông tin thêm.