Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đồng chủ trì hội thảo.
Tạo cơ chế đột phá để phát triển
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến thông tin, dự thảo Luật Thủ đô mới nhất quy định về huy động, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô được xây dựng trên cơ sở kế thừa, sửa đổi Điều 21 Luật Thủ đô 2012; Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Theo đó, để tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển bền vững, xứng tầm, phân quyền cho thành phố trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Cụ thể, mở rộng phạm vi áp dụng đầu tư theo hình thức PPP trong cả lĩnh vực văn hóa, thể thao; tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể…
Cùng với đó là quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn quy định của Trung ương để Hà Nội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ.
Hà Nội cũng được chuyển đổi mô hình quản lý đầu tư, quản lý dự án theo kết quả, hiệu quả dự án thay vì quản lý chi phí như đơn giá, khối lượng đầu vào. Được phép ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, phương thức thanh toán ngoài các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô
Về quản lý khai thác tài sản công, theo dự thảo, Hà Nội được thực hiện phương thức quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý (O&M) đối với một số công trình trọng điểm thành phố quản lý và được áp dụng phương thức xây dựng, chuyển giao, thuê dịch vụ (BTL) hoặc xây dựng thuê dịch vụ chuyển giao (BLT) đối với các công trình do tư nhân xây dựng, sở hữu, thành phố Hà Nội có nhu cầu sử dụng cho các mục đích công cộng.
Huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô
Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải có các quy định về chính sách đặc thù về tài chính, đầu tư nhằm huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô; bảo đảm Thủ đô phát triển lâu dài, bền vững. Các chính sách này có thể khác với các luật hiện hành hoặc chưa được luật hiện hành quy định, nhưng phải bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng và các đại biểu đã góp ý đối với một số quy định cụ thể của dự thảo luật trên cơ sở đánh giá thực trạng của Thủ đô. Trong đó, các ý kiến nêu tính khả thi của các quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó là quy định việc thành lập các quỹ: Quỹ Bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô; quy định về thành lập công ty đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh vốn nhà nước và quản lý khai thác tài sản thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước.
Theo đại diện Sở Xây dựng, Hà Nội là Thủ đô, vì vậy việc cho phép thành phố chủ động quyết định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi ngân sách, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư đặc thù trong một số lĩnh vực; cơ chế thu hút đầu tư xã hội và cơ chế thực hiện đầu tư sẽ tạo được sự năng động, nhạy bén, chủ động cho Thủ đô trong tổ chức thực hiện.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng dựng, ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội quan trọng sẽ là động lực, đòn bẩy nhằm xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô, đó chính là cơ chế, chính sách về tài chính và đầu tư.
Đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị Tổ thường trực nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), sớm báo cáo Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội đảm bảo thời hạn theo quy định.
Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (dự kiến tháng 10/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến tháng 5/2024).