Sửa quy định để giảm án tồn đọng

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm thực hiện Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), đã bộc lộ nhiều quy định gây khó cho người dân cũng như cơ quan thi hành án.

Theo khoản 4 Điều 7 Nghị định quy định: “Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án (THA) theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải THA và nghĩa vụ phải thi hành án”.
 Ảnh minh họa.
Về nguyên tắc, cơ quan THADS phải tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi trong việc tổ chức THA một số trường hợp bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ đối tượng THA và nghĩa vụ THADS dẫn đến khi thụ lý hồ sơ cơ quan thực thi không có khả năng tổ chức thi hành do không xác định cụ thể người phải THA, nghĩa vụ phải THA.
Do đó, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 7 Nghị định theo hướng: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu THA theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định “Không xác định được người phải THA” hoặc “Không xác định được nghĩa vụ phải THA”. Hay theo khoản 2 Điều 12 Nghị định quy định: “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan THADS”.
Trên thực tế hiện nay, rất nhiều vụ việc, theo yêu cầu của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chấp hành viên đã thực hiện quy định trên và thông báo việc THA cho đương sự qua điện thoại. Tuy nhiên, điều luật chưa quy định về việc thông báo này cần thể hiện bằng hình thức cụ thể như thế nào để lưu hồ sơ THA nên chấp hành viên phải đối diện với tình trạng một số trường hợp khiếu nại cho rằng họ chưa nhận được các văn bản mặc dù đã được thông báo trước đó.
Do đó, có ý kiến đề nghị quy định sửa đổi theo hướng: “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan THADS. Chấp hành viên tiến hành lập biên bản và giải thích cho người yêu cầu biết về việc không tiến hành thủ tục tống đạt văn bản hoặc sẽ sao lưu tài liệu thể hiện việc đã thông báo để lưu hồ sơ. Và chi phí của việc sao lưu do người yêu cầu chịu”.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Mai Lương Khôi, dự thảo sửa đổi Nghị định 62/NĐCP cũng dự kiến bổ sung quy định ủy thác đến nơi người được THA có điều kiện do pháp luật THADS chưa quy định cụ thể đối với trường hợp ủy thác đến nơi người được THA có điều kiện để thực hiện quyền (đối với các khoản hoàn tiền tạm ứng án phí hoặc nơi địa phương đang tạm giữ tài sản), tạo thuận lợi cho người được THA nhận. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về ủy thác xác minh.
Theo đó, trường hợp bản án ghi địa chỉ đăng ký thường trú và tạm trú của người phải THA là khác tỉnh, TP của Tòa án xét xử thì cơ quan THADS nhận bản án tiến hành ủy thác xác minh trước khi ủy thác việc THA theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật THADS.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần