Nhưng làm thế nào để đạt được 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào năm 2030 như mục tiêu Chính phủ đặt ra đang trở nên thách thức.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân có xu hướng giảm dần
Trong quý I năm nay, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%. Tăng trưởng GDP gần như thấp nhất trong 11 năm qua, chỉ cao hơn năm 2020 - năm đỉnh dịch bệnh (đạt 3,21%); thấp hơn nhiều kịch bản quý I/2023 (tăng 5,6%). Đặc biệt, trong quý I năm nay, cả nước có khoảng 60.000 DN rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 DN được thành lập. Lần đầu tiên, số lượng DN "biến mất" lớn hơn số DN thành lập.
Nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những tác động tiêu cực của các yếu tố lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia, thị trường xuất khẩu suy giảm…
Tại Diễn đàn "Để KTTN thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế" diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chia sẻ, tại Nghị quyết số 10-NQ/TW được ban hành vào năm 2017, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 đã được nhắc tới nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được khi đến năm 2022, số DN thành lập mới khoảng 800.000 DN.
Thực tế này khiến các mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào năm 2030 Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ mới ban hành càng trở nên thách thức.
Theo TS Cấn Văn Lực, khu vực KTTN vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thực sự là động lực. “Tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN có xu hướng giảm dần; đa số là hộ kinh doanh, chiếm 94% về số lượng, đóng góp 31% GDP; doanh nghiệp tư nhân đóng góp 14 - 15% GDP – chưa nhiều lắm.
Khu vực này cũng vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, quản trị, dịch vụ chưa tốt, cấu trúc ngành nghề chưa hợp lý, liên kết rời rạc” - TS Cấn Văn Lực phân tích.
Bên cạnh đó, mức độ tham gia của DN Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu khá cao nhưng chủ yếu là liên kết ngược, nghĩa là chủ yếu là nhập để xuất còn tỷ lệ nội địa hóa thấp. “Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng, sức chống chịu của khu vực KTTN còn thấp, nên cứ mỗi khi có bão là liêu xiêu” - TS Cấn Văn Lực chia sẻ quan điểm.
Khó tiếp cận nguồn lực
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga thẳng thắn cho rằng, DN tư nhân đang rất nỗ lực để vượt khó khăn do dịch bệnh. Thời gian qua, nhiều DN không dám triển khai dự án mới, vì thiếu vốn, chỉ tập trung giữ được lao động... “Đến giờ, cũng không biết vì sao có thể vượt qua 3 năm qua với vô vàn khó khăn.
Chúng tôi đã cố gắng và nỗ lực vượt qua, xác định cần cố gắng và nỗ lực tiếp tục. Song, DN cần sự dẫn dắt của vĩ mô, để tiếp tục có sự kỳ diệu như đã làm được sau dịch bệnh” - bà Nguyễn Thị Nga nói.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho rằng, tiếp cận nguồn vốn đang là một trong những vấn đề lớn được cộng đồng DN quan tâm hiện nay.
Trên thực tiễn, vẫn còn tồn tại không ít những rào cản, khó khăn, vướng mắc như thủ tục giấy tờ hồ sơ vay vốn rườm rà, nhiều ràng buộc, không nhất quán; sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thiếu thống nhất khiến các DN còn lúng túng trong quá trình tiếp cận.
Nhiều ý kiến của DN cho rằng, điểm nghẽn chính đang cản trở sự phát triển của khối DN tư nhân là chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế. Có nhiều nguồn lực như nguồn lực về tài chính, đất đai, vốn công nghệ… chi phí mà DN tư nhân bỏ ra để tiếp cận các nguồn lực này còn cao. Thứ hai, cạnh tranh với DN ở khu vực khác, ví dụ DN Nhà nước, DN FDI.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, các DN tư nhân Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh thông thường mà là siêu cạnh tranh ở cả thị trường thế giới và thị trường nội địa, ở cả khâu chất lượng lẫn giá cả nguyên liệu đầu vào, đóng gói, nhãn mác, vận tải logistics, thương hiệu, kỹ năng marketing cho đến hệ thống phân phối tự chủ.
Đối thủ cạnh tranh có sức mạnh vượt trội không chỉ về tài chính, quản trị và công nghệ, mà còn cả về khả năng ứng phó siêu nhanh với những hỗn loạn trên thị trường.
Xây dựng “sếu đầu đàn” dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ
Muốn kinh tế ngày càng phát triển thì số lượng DN phải ngày càng nhiều. Theo TS Đinh Thế Hiển, ở Mỹ, bình quân cứ 10 người dân là có 1 DN. Vậy con số phấn đấu 1,5 triệu DN ở Việt Nam không phải là quá xa vời. “Tất nhiên để đạt được mục tiêu đó thì vẫn có nhiều việc cần làm. Như tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan về thành lập và hoạt động của DN; tạo mọi điều kiện hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh chuyển sang mô hình công ty hay nói chung là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN tư nhân có cơ hội phát triển” - TS Đinh Thế Hiển nói.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó đề ra mục tiêu hình thành và phát triển nhiều tập đoàn KTTN mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực KTTN.
Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP để đến năm 2025 đạt khoảng 55%; đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP.
TS Trần Toàn Thắng - Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho hay, sẽ có chính sách, cơ chế trợ lực DN tư nhân “đầu tàu” phát triển mạnh mẽ hơn nữa mới đủ tầm vươn ra khu vực và thế giới.
Nếu không xây dựng hệ thống DN "rường cột", nền kinh tế sẽ rất dễ bị “tổn thương” từ bên ngoài. Với bài toán hình thành được “sếu đầu đàn”, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS Võ Trí Thành, Chính phủ cần tạo dựng “cột kèo” cho các tập đoàn lớn mạnh đúng nghĩa. Chất ở đây là DN phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và có thương hiệu quốc tế, có tính lan tỏa, tạo cơ hội cho các DN khác phát triển.
“Samsung, Deawoo, LG, Asus, Foxconn, Alibaba, Huawei, Toyota, Sony... lớn mạnh như ngày nay đều xuất phát là các DN tư nhân nhỏ nhưng có năng lực, có khát vọng, cộng thêm sự hỗ trợ của Chính phủ. Việt Nam rất cần các cơ chế, chính sách phát triển DN tư nhân, đặc biệt là DN lớn, vì chính DN lớn mới là đầu tàu, là “sếu đầu đàn” dẫn dắt DN nhỏ và vừa, cũng như cả nền kinh tế và là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tự chủ” - TS Trần Toàn Thắng bày tỏ.