Người dân bức xúc vì ô nhiễm
Qua tìm hiểu được biết, trạm trộn bê tông Phúc Thành thuộc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phúc Thành. Trạm trộn được xây dựng trên một diện dích đất nằm trong dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai do Công ty CP đầu tư phát triển Phong Phú làm chủ đầu tư (thuộc địa bàn phường Đồng Mai, quận Hà Đông). Theo hợp đồng cho mượn mặt bằng ngày 20/6/2016 với mục đích là xây dựng trạm trộn bê tông phục vụ chính cho dự án của Phong Phú.
Tuy nhiên, trên thực tế đến nay tại dự án này hiện trạng vẫn đang là bãi đất trống, bỏ hoang. Và nhằm mục đích hoạt động kinh doanh thu lợi, trạm trộn bê tông Phúc Thành đã được dựng lên, đi vào hoạt động, bán bê tông thương phẩm ra bên ngoài.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trạm trộn bê tông Phúc Thành nằm sát ngay cụm công nghiệp Thanh Oai, tập trung rất nhiều công ty, do đó hàng ngày vào giờ cao điểm, lượng công nhân đổ về đây làm việc với mật độ cao. Con đường dẫn vào trạm trộn hư hỏng bề mặt. Phản ánh về hoạt động của trạm trộn này, một công nhân làm việc tại khu vực này chia sẻ: “Tôi đi làm gặp phải xe bê tông chạy cuốn mù mịt bụi là chuyện bình thường. Các xe bồn trộn bê tông, xe trọng tải lớn chở vật liệu hoạt động rầm rộ, gây ô nhiễm khiến cho người qua lại luôn trong tình cảnh kinh hãi”.
Tiếp tục đi sâu vào phía trong nơi đặt trạm trộn, theo quan sát, có đến hàng nghìn mét vuông được tập kết đá, cát, xi măng, máy trộn cỡ lớn cùng nhiều máy móc, vật tư khác phục vụ cho việc trộn bê tông. Cùng với đó, lượng xe bồn, xe chở vật liệu ra vào liên tục khiến tuyến đường bê tông bị cày xới. Ngoài ra, cư dân tại tổ 13, phường Đồng Mai bức xúc cho rằng, nước thải, nước rửa xe bồn không qua xử lý, không bể lắng, thải trực tiếp ra môi trường, trắng xoá chất thải bê tông.
Ông Nguyễn V. M. (tổ dân phố 13, phường Đồng Mai) cho biết: “Không chỉ gây ô nhiễm, xe của trạm trộn bê tông Phúc Thành còn cày nát đường dân sinh từ tổ 13, phường Đồng Mai nối với Quốc lộ 21B. Với mật độ dày đặc của các xe siêu trường, siêu trọng, xe chở bê tông thương phẩm đã băm nát lòng đường. Mùa khô thì bụi xi măng, bụi cát, bụi đất bay mù mịt; mùa mưa thì con đường lầy lội, đầy bùn đất. Hiện nay, con đường gồ ghề, nhiều ổ gà, nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào…”.
Bị xử phạt vẫn hoạt động bất chấp quy định?
Trước thực trạng hoạt động của trạm trộn bê tông Phúc Thành gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông khu vực, người dân đã phản ánh đến chính quyền địa phương. Thế nhưng, đến nay trạm trộn bê tông nêu trên vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp quy định của pháp luật?
Liên quan đến hoạt động của trạm trộn bê tông Phúc Thành gây bức xúc đối với người dân địa phương, qua trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô Thị, ông Trương Đỗ Hiến - Đội phó Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hà Đông thừa nhận có việc trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo vị này, vừa qua, Đội cùng lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra và đang yêu cầu công ty này hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Trạm trộn trước đó cũng đã từng bị Công an Môi trường Hà Nội xử phạt 80 triệu đồng với lỗi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp.
Trạm trộn bê tông Phúc Thành từng bị xử phạt về vấn đề xả thải nhưng hiện nay vẫn hoạt động bất chấp quy định? |
Phóng viên đề cập đến đến hồ sơ, giấy phép xây dựng của trạm trộn bê tông Phúc Thành? Ông Hiến nói: “Hồ sơ pháp lý, giấy tờ liên quan đến công ty này phóng viên cứ liên hệ với phường. Dưới đó, tổ công tác của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị và phường quản lý?”. Vị Đội phó này cũng cho rằng, hoạt động của trạm trộn từ khi trước thời điểm ông quản lý (năm 2017).
Tiếp tục đặt câu hỏi: Nếu tính từ cuối năm 2017 đến nay, đã gần một năm qua nhưng vai trò, trách nhiệm, chức năng giám sát của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị ở đâu khi trạm trộn hoạt động không phép bất chấp quy định? Vị Đội phó tiếp tục biện minh rằng: “Lãnh đạo Đội chỉ quản lý về chuyên môn, việc giám sát đối với hoạt động xây dựng thuộc tổ công tác dưới phường. Tổ công tác không báo cáo thì phải chịu trách nhiệm…”.
Có thể nói, những vi phạm về hoạt động của trạm trộn bê tông Phúc Thành đã rõ. Mặc dù, lực lượng chức đã xử phạt, nhưng trạm trộn này vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có ai đó "chống lưng" để trạm trộn ngang nhiên hoạt động thách thức pháp luật như hiện nay?
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.