Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Taliban mong muốn hợp tác với Trung Quốc, cam kết không trở thành hang ổ khủng bố

Nguyễn Phương (Theo Sputnik, AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Taliban tái khẳng định cam kết chống khủng bố ở Afghanistan, đồng thời ủng hộ Trung Quốc đầu tư hạ tầng tại quốc gia Trung Á này.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post hôm 30/8, người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen cho biết, Bắc Kinh có thể đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong công cuộc tái thiết Afghanistan.
Các tay súng đặc nhiệm Badri của Taliban tại sân bay Kabul ngày 31/8. Ảnh: AFP

Người phát ngôn Suhail Shaheen nói rằng Taliban hy vọng sẽ làm việc với Trung Quốc để xây dựng hòa bình ở Afghanistan. “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi với Trung Quốc về cách thúc đẩy mối quan hệ chung của chúng tôi, thiết lập hòa bình trong khu vực và về sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc tái thiết Afghanistan” - ông Suhail tuyên bố.
Ông Suhail nhấn mạnh thêm: “Trung Quốc, quốc gia láng giềng vĩ đại của chúng tôi, có thể đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong công cuộc tái thiết Afghanitsan cũng như trong sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của người dân Afghanistan”.
Người phát ngôn tái khẳng định cam kết về việc đảm bảo quốc gia Trung Á này sẽ không trở thành nơi trú ngụ của lực lượng khủng bố, nói rằng Taliban đã “đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng không ai có thể sử dụng đất của Afghanistan để chống lại các nước láng giềng và các nước khác”. Theo ông Suhail, Taliban cũng đưa ra những cam kết tương tự với Mỹ và Pakistan, hứa hẹn sẽ chấm dứt hỗ trợ cho al-Qaeda * và Tehrik-i-Taliban Pakistan.
Ở một diễn biến khác, trang web Trung Quốc Guancha.cn hôm 28/8 dẫn lời ông Yue Xiaoyong - Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Afghanistan - rằng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết hòa bình của Afghanistan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc với nhóm Taliban. “Từ quan điểm lâu dài và mang tính xây dựng, Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết hòa bình ở Afghanistan. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác vì lợi ích của cả hai bên” - ông Yue Xiaoyong nói thêm.
Sau bốn thập kỷ chiến tranh, cơ sở hạ tầng tại quốc gia Trung Á bị phá hủy nghiêm trọng và nền kinh tế phần lớn dựa vào xuất khẩu thuốc phiện.
Mohammad Naim, người phát ngôn của văn phòng chính trị của Taliban, hôm 31/8 nói với hãng tin Sputnik rằng việc nối lại hoạt động sân bay tại thủ đô Kabul “là một trong những ưu tiên” và hy vọng sẽ thực hiện “càng sớm càng tốt”.
Sau khi Mỹ hoàn thành chiến dịch rút quân ngày 31/8, lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, hiện chưa thể hoạt động trở lại. Lực lượng đặc biệt Badri của Taliban đã được triển khai tới sân bay Kabul.
Ngày 31/8 là thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra cho việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanitsan.
Các hãng hàng không thương mại chưa nối lại hoạt động tới sân bay Kabul, chưa rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm vận hành cơ sở này và tiếp quản không phận Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ rút về nước. Quân đội Mỹ trước đó cảnh báo các phi công rằng sân bay Kabul trong tình trạng mất kiểm soát, "không có hệ thống kiểm soát không lưu hoặc dịch vụ mặt đất tại sân bay".
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 31/8 thông báo nhóm Taliban đang đàm phán với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ về việc quản lý sân bay Hamid Karzai. Theo ông Le Drian, cần phải đảm bảo an toàn cho sân bay này sớm hoạt động trở lại để những người muốn rời khỏi Afghanistan có thể làm điều đó qua những chuyến bay thương mại.
Sân bay Kabul từng chứng kiến cảnh hỗn loạn vì hàng nghìn người đổ đến tìm đường rời Afghanistan sau khi Taliban tiến vào thủ đô hôm 15/8. Cơ sở này trở nên vắng vẻ và im ắng như "sân bay ma" sau khi vận tải cơ C-17 đưa những người lính Mỹ cuối cùng rời sân bay./.