Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Taliban tuyên bố ân xá, Afghanistan chưa hết lo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/8, Taliban tuyên bố ân xá cho hầu hết quan chức chính phủ trên khắp đất nước, và kêu gọi phụ nữ tham gia vào chính quyền của lực lượng này, như nhằm xoa dịu một thủ đô Kabul căng thẳng đã chứng kiến hàng nghìn người dân cố gắng chạy trốn vào 1 ngày trước đó.

Đám đông tập trung gần một chiếc máy bay vận tải của Không quân Hoa Kỳ ở vành đai sân bay quốc tế tại Kabul, Afghanistan, ngày 16/8. Ảnh: AP
Một ngày sau khi các tay súng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và kiểm soát toàn bộ quốc gia, các hãng thông tấn quốc tế không ghi nhận báo cáo đáng kể nào về các vụ giao tranh ở Kabul và ở Afghanistan nói chung. Người dân Kabul chủ yếu vẫn ở nhà và lo sợ về việc quân nổi dậy tiếp quản thủ đô khi các nhà tù và vũ khí bị cướp phá. Một thế hệ người Afghanistan lớn tuổi hơn đang hồi tưởng lại những luật lệ hà khắc của Taliban trong giai đoạn lãnh đạo đất nước từ 1996 - 2001, bao gồm việc ném đá đến chết, cắt cụt chân hay hành quyết công khai những người bị chính quyền buộc tội.
Cũng theo quan điểm Hồi giáo cực đoan này, phụ nữ Afghanistan chủ yếu bị giam giữ trong nhà, trở thành vật sở hữu của nam giới. Taliban đã tìm cách tiết chế luật lệ nhiều hơn ở một số địa phương mà lực lượng này nắm quyền kiểm soát trong những năm qua, nhưng nhiều người Afghanistan vẫn tỏ ra nghi ngại.
Đưa ra bình luận đầu tiên về quản trị cấp nhà nước sau cuộc tiếp quản, Enamullah Samangani, một thành viên thuộc Ủy ban văn hóa của Taliban, hôm 17/8 nói: “Các Tiểu vương quốc Hồi giáo (Afghanistan - theo cách gọi của Taliban) không muốn phụ nữ trở thành nạn nhân. Họ nên ở trong cơ cấu chính phủ theo luật Shariah”. Ông nói thêm: “Cấu trúc của chính phủ không hoàn toàn rõ ràng, nhưng dựa trên kinh nghiệm, cần có một ban lãnh đạo Hồi giáo hoàn toàn và tất cả các bên nên tham gia”.
Tuy nhiên, tuyên bố vẫn mơ hồ về các chi tiết khác, trong đó ngụ ý rằng mọi người đã biết rõ các quy tắc của luật Hồi giáo mà Taliban muốn họ tuân theo. “Người dân của chúng tôi theo đạo Hồi và chúng tôi không ở đây để ép buộc họ theo đạo Hồi”, ông Samangani nói.
Cũng trong ngày 17/8, Stefano Pontecorvo, đại diện dân sự cấp cao của NATO tại Afghanistan, đã đăng tải một video trực tuyến cho thấy hình ảnh sân bay chính ở Kabul đã ổn định, với chỉ máy bay quân sự và lính Mỹ trên đường băng.
“Đường băng đang mở. Tôi thấy máy bay đã có thể hạ cánh và cất cánh”, ông Pontecorvo viết trên Twitter, 1 ngày sau khi ít nhất 7 người bị cho đã bỏ mạng trong đám đông tuyệt vọng bám vào một chiếc máy bay quân sự để rời khỏi Afghanistan. Theo AP, các chuyến bay thương mại đã bị tạm dừng ở Afghanistan và không phận nước này hiện do quân đội Mỹ tiếp quản.
“Thế giới đang theo dõi các sự kiện ở Afghanistan với trái tim nặng nề và lo lắng sâu sắc về những gì đang ở phía trước”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói. Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ngày 16/8, ông Guterres kêu gọi các bên thông qua đối thoại để thành lập một chính phủ mới tại Afghanistan “thống nhất, bao hàm và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden kiên quyết bảo vệ lập trường rút quân đội khỏi Afghanistan và thừa nhận những hình ảnh “đau xé lòng” đang diễn ra ở Kabul. Tổng thống nói rằng ông phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc tôn trọng một thỏa thuận rút quân đã thương lượng trước đó với Taliban bởi chính quyền tiền nhiệm, hoặc gửi thêm hàng nghìn quân trở lại để bắt đầu một thập kỷ chiến tranh thứ 3 ở chiến trường Nam Á này.

“Sau 20 năm, tôi đã học được cách chấp nhận rằng không bao giờ có cái gọi là “thời điểm thích hợp” để rút các lực lượng Hoa Kỳ”, Tổng thống Joe Biden nói trong một bài phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng hôm 16/8 (giờ Washington).

Các cuộc đàm phán dường như đang tiếp tục diễn ra giữa Taliban và một số quan chức chính phủ Afghanistan, bao gồm cả cựu Tổng thống Hamid Karzai và Abdullah Abdullah - người từng đứng đầu hội đồng đàm phán của nước này. Tổng thống Ashraf Ghani trước đó đã bỏ trốn khỏi đất nước trong bối cảnh Taliban tiến công và hiện vẫn chưa rõ tung tích.