Không khí làm phim nguội lạnhNăm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong những ngành quan trọng. Thực tế trong hơn chục năm qua, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển rất nhanh. Theo thống kê của Công ty CJ CGV Việt Nam: Năm 2009 tổng doanh thu khoảng 302 tỷ đồng (13 triệu USD), đến năm 2019 là 4.064 tỉ đồng (hơn 176 triệu USD), nghĩa là sau 10 năm doanh thu tăng 13.5 lần. Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2016, chỉ tiêu đến năm 2020 ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD, nhưng với doanh thu 176 triệu USD năm 2019, điện ảnh đã vượt 20% chỉ tiêu năm 2020.
|
Các nhà làm điện ảnh quốc tế sải bước trên thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V. |
Tuy nhiên, thị trường điện ảnh tại Việt Nam phát triển chưa bền vững, bởi có sự cạnh tranh không lành mạnh, bằng chứng là những khiếu nại và kiến nghị kéo dài của các DN Việt Nam về sự áp đặt và thống lĩnh thị trường của những DN nước ngoài chiếm thị phần áp đảo. Trong đó, đối với 2 “kinh đô” điện ảnh của Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh đã vượt lên, trở thành trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước, bỏ xa Hà Nội về cả sản xuất lẫn phát hành phổ biến phim và thị trường điện ảnh (doanh thu chiếu phim chiếm trên 60%). Lý giải về điều này, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chia sẻ: “Hà Nội hầu như chưa có đội ngũ làm phim. Các hãng phim thuộc Bộ VHTT&DL chủ yếu duy trì đội ngũ với các phim do Nhà nước đặt hàng nên đang rất khó khăn, đặc biệt là đội ngũ làm phim truyện ngày càng teo tóp, vừa thiếu vừa yếu. Ở Hà Nội, rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh, trong khi đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở TP Hồ Chí Minh”. Đồng thời, bà Ngô Phương Lan chỉ ra rằng, chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không thể “làm nóng’ không khí làm phim ở Hà Nội. Điều này khá nghiêm trọng, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh nếu không sản xuất phim.
Tăng cường hợp tác, đầu tưDù thời đại hôm nay internet phát triển mạnh, có thể xem phim bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng phim chiếu rạp vẫn là điểm mấu chốt, quyết định sự sống còn của công nghiệp điện ảnh. Theo Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Điều thiếu nhất, khó khăn nhất hiện nay đó là việc huy động nguồn vốn để sản xuất phim. Các DN, tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup,VNPT, Vietttel, FLC… chưa quan tâm đến lĩnh vực điện ảnh; chưa thấy thị trường điện ảnh là một thì trường tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận cao như bất động sản hay xây chung cư cao cấp”.
|
Diễn viên Nhật Kim Anh, Giáng My, TiTi (nhóm HKT) sải bước trên thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần V. |
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có thêm các cơ chế để thút hút hãng phim nước ngoài đến Thủ đô. TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho hay: “Hợp tác làm phim với nước ngoài sẽ thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn, đồng thời quảng bá hữu hiệu hình ảnh thành phố và góp phần phát triển du lịch. Theo đó, chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài đến quay phim là ưu đãi sản xuất phim. Theo kinh nghiệm quốc tế, đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi sản xuất phim ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức hoàn tiền trung bình ở mức 20%- 25% chi phí sản xuất tại địa phương”.
Vừa qua, một tín hiệu vui trong việc phát triển điện ảnh ở Thủ đô là việc Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng chỉ đạo UBND Hà Nội thu hồi hai khu đất vàng tại số 4 Thụy Khuê cho Hãng Phim truyện Việt Nam. Các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh mong rằng, lãnh đạo mới của Hà Nội sẽ có phương án để sinh lại một Hãng Phim truyện Việt Nam với một sức sống mới. Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan mong muốn có những định hướng lớn và cơ chế, chính sách để khuyến khích điện ảnh phát triển. Ví dụ như việc định hướng sáng tạo điện ảnh lấy con người làm trung tâm; khuyến khích hoạt động điện ảnh phục vụ Nhân dân, mang lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế; gắn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Cùng với đó, các chuyên gia điện ảnh mong muốn, tiếp tục duy trì tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và các giải thưởng điện ảnh; xây dựng trường quay (trong Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020 tầm nhìn 2030 Thủ tướng đã phê duyệt việc xây dựng 1 trường quay từ 100 đến 150 ha tại Hà Nội). Đây là một phần của việc phát triển công nghiệp điện ảnh, đồng thời có giá trị phát triển du lịch và các dịch vụ kèm theo.