Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hình thức đầu tư PPP từ luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc tọa đàm về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh, Dự Luật phải quy định cụ thể, chi tiết, để bảo đảm thống nhất với pháp luật hiện hành.

Cụ thể các lĩnh vực
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đến nay, các dự án đầu tư theo hình thức PPP được triển khai dựa vào hệ thống pháp luật chung, chưa có luật riêng và mới chỉ được điều chỉnh ở tầm Nghị định. Vì vậy, quá trình thực hiện các dự án BOT, BT giao thông đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập.
Triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP để giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Ảnh: Quỳnh Linh
Thông tin về những nội dung cơ bản của Dự Luật, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Dự Luật quy định PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa khu vực công và khu vực tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng PPP. Dự Luật thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP so với trước với nguyên tắc: Không áp dụng hình thức PPP ở những lĩnh vực trước nay chưa có dự án, hoặc có dự án nhưng không hiệu quả, hoặc có thể triển khai theo hình thức đầu tư khác.
Theo đó, các lĩnh vực đầu tư PPP gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan Nhà nước, nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin…
Ngoài ra, để bảo đảm tính lâu dài của luật và tạo cơ chế linh hoạt trong điều hành, Dự Luật quy định cơ chế các bộ, ngành, địa phương được đề xuất các lĩnh vực đầu tư PPP khác, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Dự Luật cũng quy định một số cơ chế bảo lãnh của Chính phủ đối với nhà đầu tư như: Bảo đảm cân đối ngoại tệ, chia sẻ rủi ro về doanh thu. Tuy nhiên việc áp dụng có chọn lọc theo tiêu chí nhất định, không bảo lãnh “đại trà”.
Đồng thời, đề xuất nhiều chính sách mới như DN dự án được phát hành trái phiếu, nhưng chỉ theo quy định của luật này; các dự án PPP phải được thẩm định thông qua các Hội đồng do cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thành lập...
Đồng bộ về quy định
Chia sẻ quan điểm của mình, các chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng bộ giữa Dự Luật này với các luật hiện hành, đồng thời hạn chế thấp nhất các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và phải xây dựng được cơ chế bảo lãnh cho nhà đầu tư, như vậy mới thu hút được tối đa nguồn lực trong và ngoài nước.
Đặc biệt, phải làm rõ bản chất của mối quan hệ đối tác công - tư và bản chất dự án PPP để từ đó thống nhất hướng phân loại dự án PPP cũng như cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, các lĩnh vực đầu tư trong Dự Luật về cơ bản kế thừa có chọn lọc quy định tại Nghị định 63/2018 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, xuất hiện nhiều câu hỏi cần trả lời như các lĩnh vực như vậy là rộng hay hẹp; có nên quy định cụ thể các lĩnh vực đầu tư trong luật.
Việc giao Chính phủ quy định các lĩnh vực khác một mặt tăng tính linh hoạt trong điều hành nhưng liệu có dẫn đến nguy cơ mở rộng lĩnh vực đầu tư một cách dễ dàng không… Việc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cũng cần được lý giải một cách thuyết phục đối với các đại biểu dân cử.
Một số ý kiến, Dự Luật về PPP là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, vì thế, các quy định trong Dự Luật phải thật cụ thể, thật chi tiết và bảo đảm thống nhất với pháp luật hiện hành.

Dự Luật Đầu tư PPP đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần