Sáng nay, 6/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội (MTTQ TP) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường chủ trì Hội nghị.
Cần thiết, phù hợp thực tiễn
Tại đây, TS.BS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thay mặt cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết cho hay: Hiện các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội quản lý đang tiếp tục thực hiện thu theo mức giá quy định tại Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND ngày 4/12/2019 của HĐND TP với mức lương cơ sở trong cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là 1.490.000 đồng/tháng.
“Việc trình ban hành Nghị quyết vào kỳ họp gần nhất năm 2024 của HĐND TP là cần thiết, nhằm bảo đảm việc triển khai kịp thời, thống nhất với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ quan Trung ương trên địa bàn TP và thống nhất với mức giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm nguồn tài chính cho các đơn vị trực thuộc TP để thực hiện cơ chế tự chủ chi hoạt động thường xuyên trong giai đoạn hiện nay”- ông Nguyễn Đình Hưng khẳng định.
Do đó, UBND TP đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Phụ lục I, II, III kèm theo Thông tư 21/2023/TT-BYT và thực hiện áp giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp theo một số nguyên tắc.
Thứ nhất, các viện có giường bệnh, trung tâm y tế tuyến tỉnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm y tế huyện thực hiện cả hai chức năng phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh đã được xếp hạng: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng tương đương;
Thứ hai, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.
Thứ ba, đối với phòng khám đa khoa khu vực, trường hợp được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện hoặc trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Trường hợp chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú: Áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV.
Đối với trường hợp được Sở Y tế quyết định có giường lưu: Áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV. Số ngày được thanh toán tối đa 3 ngày/người/đợt điều trị. Không thanh toán tiền khám bệnh trong trường hợp đã thanh toán tiền giường lưu.
Thứ tư, đối với Trạm y tế xã, phường, thị trấn: Mức giá khám bệnh áp dụng mức giá của trạm y tế xã. Mức giá các dịch vu kỹ thuật bằng 70% mức giá của các dịch vụ tại Phụ lục III. Đối với các trạm y tế được Sở Y tế quyết định có mức giường lưu, áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.
Thứ năm, đối với nhà hộ sinh, áp dụng mức giá của bệnh viện hạng IV. Mức giá thanh toán tiền giường bệnh áp dụng bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV.
Để bệnh nhân an tâm hơn khi đi khám chữa bệnh
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị đã nêu ý kiến bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sớm ban hành Nghị quyết, phù hợp với quan điểm của Đảng là xây dựng một nền y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả, trong đó liên quan 2 yếu tố rất quan trọng là độ phủ của dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế.
Các đại biểu cũng cho rằng, những đề xuất của dự thảo Nghị quyết là cơ bản phù hợp với điều kiện KT-XH của người dân hiện nay, nhất là năm 2023, TP Hà Nội đã đạt được nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân đã tăng hơn 6% so với năm trước… Thẩm quyền ban hành Nghị quyết đúng quy định, dự thảo bảo đảm đầy đủ các căn cứ pháp lý.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần bổ sung một số nội dung thể hiện rõ sự bảo đảm công bằng, hiệu quả và chất lượng trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hà Nội. Về căn cứ thực tiễn, đề nghị có sự khảo sát đến tác động của người dân, sự thay đổi của giá vật tư… Đồng thời, cần bổ sung các phụ lục; công khai rõ các mức giá, dịch vụ và niêm yết cho người dân dễ thấy…
PGS.TS. Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm HĐTV Tôn giáo - Ủy ban MTTQ TP cho rằng, đề xuất của dự thảo rất cụ thể, với sự thống nhất rất cao của các cơ quan chủ chốt làm chủ thể xây dựng, khi cả UBND và HĐND TP đều đồng ý hoàn toàn với mọi đề xuất mức giá do Sở Y tế, là cơ quan đầu tiên đưa ra. Tuy nhiên, sự phù hợp đó có lẽ chỉ phù hợp trong một thời đoạn rất ngắn, từ nay đến trước tháng 7/2024, khi mức lương cơ sở đang còn là 1.800.000 đồng/tháng. Sau đó, từ tháng 7, chúng ta đã thực hiện mức lương khác hơn, cao hơn thì quy định hôm nay của Nghị quyết sẽ không còn phù hợp với điều kiện KT-XH và thu nhập của người dân nữa.
Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội Nguyễn Văn Dung thì cho rằng, quan điểm của Đảng là xây dựng một nền y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả. Do vậy, tính đến 1/2024, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn TP đạt 94% dân số, với 7,992 triệu người tham gia, tăng 4,7% so cùng thời điểm năm 2023 và tăng 0,04% so với cuối năm 2023. Như vậy, còn 6% dân số không tham gia BHYT, đây không thuộc đối tượng nghèo hoặc cận nghèo. Hiện về chi phí khám chữa bệnh ở Hà Nội, mức chi BHYT bình quân cho một đợt điều trị nội trú là hơn 10,1 triệu đồng.
“Tâm lý của người dân khi đi khám chữa bệnh thường cảm thấy lo lắng và căng thẳng về tình trạng sức khỏe của mình và khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế. Do vậy giá dịch vụ y tế thấp nhất sẽ làm cho bệnh nhân an tâm hơn khi đi khám chữa bệnh”- ông Nguyễn Văn Dung nói.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Ngọc Thảo đề nghị bổ sung vào mức tăng, đánh giá tác động đến xã hội như thế nào, bổ sung thêm đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức thực hiện, giám sát. “Hhiện nay giá giường dịch vụ quá cao, nhiều giường giá 800.000 – 1.000.000 đồng/ngày, đắt hơn ở khách sạn, nên đề nghị cơ quan bảo hiểm xem xét lại việc quy định chữa một bệnh hay hai bệnh cùng một lúc nằm viện. Năm ngoái, bản thân tôi phải mổ mắt và chữa đột quỵ, khi thanh toán, chỉ được thanh toán một bệnh là đột quỵ, còn mổ mắt phải tự chi trả theo yêu cầu”- ông Phạm Ngọc Thảo thẳng thắn nói.
Còn theo TS Lê Văn Hoạt - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, cách trình bày trong Tờ trình nên thay đổi theo hướng, trước tiên phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn rồi mới đến theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Đồng thời, nên rà soát thêm nội dung trình bày trong mục “Điều kiện đảm bảo thực hiện Nghị quyết”, trong đó chú ý việc triển khai xuống các cơ sở khám chữa bệnh; việc niêm yết giá mới, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng…
Tăng cường truyền thông để người dân hiểu, đồng tình
Trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, quý báu của các đại biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng khẳng định: Lãnh đạo Sở Y tế là cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp thu mọi ý kiến đóng góp tại Hội nghị này và trong thời gian tới, để có thể hoàn thiện tham mưu TP ban hành một Nghị quyết tốt, phù hợp thực tiễn nhất. Đồng thời, lãnh đạo Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn Thủ đô nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng cao nhất nhu cầu của Nhân dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học đối với quá trình soạn thảo các văn bản dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết này và sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo UBND, HĐND TP.
“Hy vọng khi Nghị quyết được thông qua sẽ được Nhân dân đón nhận, thể hiện tính ưu việt của TP Hà Nội đối với công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao, bảo đảm sự công bằng giữa các bệnh viện Trung ương và bệnh viện của Hà Nội trong triển khai thực hiện Thông tư của Bộ Y tế trên địa bàn Thủ đô”- bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.
Qua các ý kiến tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP thống nhất các nội dung: Tán thành việc ban hành Tờ trình, dự thảo Nghị quyết; cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của Nghị quyết là phù hợp điều kiện hiện nay, tạo công bằng giữa các bệnh viện Trung ương và bệnh viện của Hà Nội trong triển khai thực hiện Thông tư của Bộ Y tế.
Từ đó, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản rà soát các văn bản, quy định pháp lý để lựa chọn đưa vào nội dung Tờ trình cho khoa học, ngắn gọn; câu chữ chuẩn chỉnh, bảo đảm đúng các quy định; bổ sung các phụ lục quy định chi tiết. Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, cần rõ hơn nhiệm vụ của Sở Y tế trong việc chủ trì thanh tra kiểm tra, tổ chức truyền thông khi Nghị quyết được thông qua, để người dân hiểu và đồng tình.
Tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết khác tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục quan tâm tham mưu TP ban hành những chính sách đặc thù thể hiện tính ưu việt của TP Hà Nội đối với những đối tượng hoàn cảnh khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế; quan tâm nâng cao chất lượng của nhân viên ngành y để dần kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa bệnh viện công và bệnh viện tư về thu nhập của nhân viên y tế.
Đồng thời, đề nghị ngành y tế song song với nâng giá dịch vụ cần quan tâm nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh, y đức trong ngành, để Nhân dân cảm nhận được sự quan tâm chu đáo tại các cơ sở y tế công lập khi so sánh với bệnh viện tư.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng lưu ý, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản theo đúng quy định pháp luật, tiếp thu những ý kiến trên cơ sở đúng quy định pháp luật và điều kiện của Hà Nội, có văn bản thông tin lại cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.