Tạo ra những đột phá từ công tác tổ chức, cán bộ

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn không ngừng đổi mới về công tác chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững sự đoàn kết và ổn định về tổ chức, bộ máy, làm tốt công tác cán bộ, đó là tiền đề quan trọng để Báo Kinh tế & Đô thị có được sự phát triển trong 25 năm qua.

Tạo ra những đột phá từ công tác tổ chức, cán bộ - Ảnh 1

Sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ tuyên truyền

Ngày 01/01/1999, Báo Kinh tế & Đô thị phát hành số báo đầu tiên, dù ra đời muộn trong hệ thống báo chí Thủ đô nhưng Kinh tế & Đô thị đã đứng được trong hàng ngũ các báo có vị trí, có uy tín của Hà Nội. Trải qua 25 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, từ những số báo đầu tiên ra 4 kỳ/tuần, đến nay Báo Kinh tế & Đô thị đã bắt kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại với nhiều loại hình, đa phương tiện. Báo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác tuyên truyền, góp phần tích cực đối với sự nghiệp phát triển của Thủ đô và của cả nước.

Trong những năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô. Trong đó chú trọng tham mưu thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, nhất là những khâu quan trọng, có tính đột phá như đánh giá cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ… Góp phần vào thành công chung của TP trong thực hiện nhiệm vụ này có vai trò rất quan trọng của báo chí, trong đó có Báo Kinh tế & Đô thị.

Dù mang tên “Kinh tế & Đô thị”, nhưng báo đã tạo dấn ấn rất riêng trong tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ. Với những chuyên mục Thời sự, Tin tức, Nhân sự, Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống… Báo đã sáng tạo trong công tác tuyên truyền, để không khô cứng, gần gũi và hấp dẫn bạn đọc. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, báo đã triển khai rất nhiều bài viết để góp phần đưa các nghị quyết, các quy định, quy chế của Thành ủy vào thực tiễn.

Cụ thể, tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/5/2021 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025 và những năm tiếp theo” với những giải pháp mạnh, tạo bước đột phá về công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.

Tuyên truyền về Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 17/11/2021 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP”; Quy định số 08-QĐ/TU, ngày 14/3/2022 về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 12-QĐ/TU ngày 08/5/2023 về “Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP và nhiều văn bản quy định về công tác cán bộ có liên quan khác. Đây thực sự là những văn bản quan trọng, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa công tác tổ chức cán bộ, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thăm và chúc mừng Báo Kinh tế & Đô thị nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2023. Ảnh:  Hải Linh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn thăm và chúc mừng Báo Kinh tế & Đô thị nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2023. Ảnh:  Hải Linh

Qua thông tin trên Báo Kinh tế & Đô thị, cán bộ các cấp, Nhân dân có thể thấy TP đang hướng vào những khâu quan trọng, có tính đột phá, liên thông như đổi mới công tác đánh giá cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch, luân chuyển và bố trí, sử dụng cán bộ…

Điển hình như đến nay, tỷ lệ nữ trong cấp ủy các cấp của TP đang đạt khoảng 23% và tỷ lệ nữ trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đạt khoảng 34%; tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy các cấp và trong cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đạt gần 16%. Từ khi thực hiện Quy định số 07-QĐ/TU đến nay, đã thực hiện rà soát, Thông báo 199 trường hợp để xem xét, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; tổng số đã có có 87 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Việc này đã tạo ra sự thay đổi về chất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành...

Bộ máy ổn định, tạo sức bật mới

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn là công tác thông tin, tuyên truyền, dưới góc nhìn của người làm công tác tổ chức, tôi đặc biệt đánh giá cao Báo Kinh tế & Đô thị ở việc triển khai công tác tổ chức, cán bộ ngay trong nội bộ Báo. Chính những cách làm bài bản, sáng tạo đã giúp Báo tạo dựng được sự ổn định và phát triển, dù có những giai đoạn không ít khó khăn.

Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết của T.Ư. Cụ thể, Khối Đảng, đoàn thể TP sau sắp xếp giảm 01 ban, 10 đầu mối cấp phòng; 09 đơn vị sự nghiệp. Hoàn thành việc chấm dứt hoạt động của tổ chức Hội Nông dân tại 12 quận. Củng cố, kiện toàn, sắp xếp các Đảng bộ Khối trực thuộc Thành ủy, từ 05 Đảng bộ Khối giảm 02 đầu mối còn 03 Đảng bộ Khối trực thuộc Thành ủy. Khối chính quyền giai đoạn 2018 - 2022 đã tiến hành 03 đợt rà soát tổ chức bộ máy, sau sắp xếp giảm 01 cơ quan tương đương cấp sở; giảm 54 phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành; 03 phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; giảm 286 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã…

Trong năm 2023 tiếp tục thực hiện sắp xếp, dự kiến giảm 06 chi cục; 40 phòng và tương đương thuộc các sở, ngành, đơn vị,… công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của TP Hà Nội đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, kết quả sau sắp xếp được dư luận đánh giá cao, như việc sáp nhập 3 đơn vị trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, đài truyền thanh cấp huyện; sáp nhập 2 đơn vị ban bồi thường giải phóng mặt bằng và trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện; hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông trên địa bàn các huyện thuộc Sở NN&PTNT TP để thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại các huyện, thị xã và giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Trong khối các cơ quan báo chí Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị đã thành công trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy trên cơ sở tiếp nhận Báo Pháp luật và Xã hội.

Phó Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chụp ảnh với Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, tháng 12/2023. Ảnh: Thanh Hải  
Phó Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chụp ảnh với Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, tháng 12/2023. Ảnh: Thanh Hải  

Năm 2020 đánh dấu một cột mốc mới với Báo khi thực hiện Quyết định số 4656/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Báo Kinh tế & Đô thị trên cơ sở sáp nhập Báo Pháp luật & Xã hội trực thuộc Sở Tư pháp vào Báo Kinh tế & Đô thị. Báo đã tiến hành các bước để sắp xếp tổ chức, ổn định bộ máy với các đơn vị mới, giữ vững sự ổn định và đoàn kết, tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn.

Tiếp đó, năm 2022, Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục đánh dấu một sự thay đổi mới về nhân sự cán bộ lãnh đạo khi có sự thay đổi về vị trí Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập. Sự thay đổi với các nhân sự trong bộ máy lãnh đạo báo đã tạo thêm những thay đổi trên chặng đường phát triển của báo trong một tư duy mới.

Để tăng tính tự chủ cho báo, ngày 16/8/2023, UBND TP đã ban hành Quyết định số 4102/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc của Báo Kinh tế & Đô thị, giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, Báo Kinh tế & Đô thị tăng số phòng, ban lên con số 12, với 2 phòng, ban mới là Ban Thông tin Đối ngoại và Phòng Công nghệ Thông tin – Chuyển đổi số.

Lãnh đạo TP đánh giá cao việc triển khai Quyết định này của Báo. Ngay sau khi TP có Quyết định, Báo Kinh tế & Đô thị đã nhanh chóng triển khai xây dựng Đề án thành lập hai đơn vị mới trực thuộc và đưa Phòng Công nghệ Thông tin – Chuyển đổi số và Ban Thông tin Đối ngoại vào hoạt động. Có thể nói, với bộ máy hiện nay, Báo đã bắt kịp xu thế chung của TP là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, tác nghiệp, phát triển các ấn phẩm phù hợp với sự phát triển của Hà Nội, đặc biệt là quảng bá hình ảnh Thủ đô ra bạn bè quốc tế.

Quang cảnh cuộc họp tháng 12/2023 tại Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Phạm Hùng
Quang cảnh cuộc họp tháng 12/2023 tại Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Phạm Hùng

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, Báo cần tiếp tục rà soát vị trí việc làm, hoàn thiện, sửa đổi các quy chế tổ chức, quy trình nội bộ để thực hiện tốt các nhiệm vụ TP đã phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, cùng với tuyên truyền, thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 “về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, nhận diện rõ 25 biểu hiện theo các nhóm về vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP để cùng phát hiện, phản ánh các vi phạm từ cơ sở, tham mưu cho TP trong xử lý. Để từ đó, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám tham mưu, giải quyết công việc nhanh, chất lượng, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có cả Báo Kinh tế & Đô thị.

Có thể nói, 25 năm trong chặng đường phát triển chưa phải là dài với một cơ quan báo chí, nhưng với những đặc thù rất riêng, sự đổi mới cả về tư duy và hành động đã thể hiện được vai trò của Kinh tế & Đô thị đối với sự phát triển của TP. Tôi tin tưởng rằng, Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ hơn, xây dựng được tổ chức bộ máy khoa học, tiếp tục rà soát vị trí việc làm, xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, để góp phần đưa Báo ngày càng phát triển.