Vốn đầu tư không ngừng tăng
Theo Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu năm 2021, các KCN, KKT đã thu hút 291 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỷ USD, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; thu hút được 271 dự án đầu tư trong nước với khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký mới và tăng thêm.
Lũy kế đến cuối tháng 5/2021, các KCN, KKT trên cả nước có khoảng 10.853 dự án sản xuất kinh doanh của các DN FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD; 10.186 dự án sản xuất kinh doanh của các DN trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện của các DN FDI đạt khoảng 69,6%; vốn đầu tư thực hiện của các DN trong nước đạt khoảng 45,4%.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ KH&ĐT, đến nay, cả nước đã có 392 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích 119,9 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khu vực ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha.
Các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, tạo công ăn việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào nguồn ngân sách nhà nước.
Trung bình hàng năm, các KCN, KKT đã đóng ngân sách nhà nước khoảng 5 tỷ USD; giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp, chiếm 7,3% lực lượng lao động của cả nước; kim ngạch xuất khẩu của các DN trong khu công nghiệp, khu kinh tế hàng năm chiếm trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Qua đó, từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. KCN, KKT cũng là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Xây dựng mô hình đồng bộ, “kiểu mẫu”
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, về cơ bản, các KCN, KKT vẫn đang phát triển theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực và vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Chưa đổi mới mô hình phát triển của KCN, KKT, chưa có các mô hình KCN, KKT chuyên sâu, hình thành các cụm sản xuất có quy mô trong KCN, KKT. Trong khi đó, tính liên kết giữa các KCN, KKT còn yếu, nhất là phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistic, chưa có tính liên kết vùng và tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT chưa cao. Các dự án đầu tư vào KCN, KKT có trình độ công nghệ ở mức trung bình là chủ yếu.
Theo nhiều chuyên gia, mô hình phát triển KCN của Việt
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN là rất quan trọng để tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nhất là khi các nước trong khu vực đang đẩy rất nhanh công việc này. Hạ tầng ở đây không chỉ là đất sạch, nhà xưởng, điện nước, mà cả hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục đi kèm để phục vụ cho chuyên gia, cán bộ nước ngoài và người lao động, giúp họ yên tâm làm việc.
Để nâng cao hiệu quả của các DN hoạt động trong các khu công nghiệp, Bộ KH&ĐT khuyến khích, hỗ trợ các DN lựa chọn công nghệ tiến bộ và không ngừng nâng cao trình độ công nghệ.
Trước hết, rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về công nghệ, chất lượng sản phẩm, yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường để phát hiện các công nghệ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu, từ đó giám sát DN thay thế những công nghệ mới bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, thúc đẩy DN liên kết kinh tế, chủ động tổ chức các chuỗi cung ứng, ưu tiên cho các chuỗi cung ứng trong nội bộ khu công nghiệp và trong tỉnh.
Để kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban Quản lý các KCN, KKT, khu chế xuất trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đối với các DN, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Bộ KH&ĐT đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT Nghị định sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN đổi mới sáng tạo, DN công nghiệp hỗ trợ… Một trong những trường hợp được đề xuất không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) là nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong KCN cho dự án đầu tư có công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoạt động theo các mô hình KCN sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu. Đồng thời, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong KKT hoặc dự án đầu tư thuộc diện áp dụng hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật về đầu tư thực hiện trong KCN. Bổ sung quy định về mô hình KCN chuyên sâu (chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định)… |