Tuy thực trạng này đã được nhận diện, nhưng để triệt tiêu không hề dễ nếu không có những giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của nhiều phía.
“Bệnh” từ đâu đến?
Khi quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tưởng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhận định, tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”… đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội.
Thực tế cho thấy, các hành vi tham nhũng đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp T.Ư, ở những chương trình dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng - tham nhũng lớn, mà còn xuất hiện nhiều ở các bệnh viện, cơ quan công quyền ở cơ sở, nơi hàng ngày trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến lợi ích của người dân. Đó là tham nhũng vặt.
|
Cải cách hành chính, giao dịch trực tuyến sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng nhũng nhiễu với người dân. Ảnh: Phạm Hùng |
Vậy vấn nạn này đến từ đâu? Như các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã phân tích, cũng như bất kỳ loại tham nhũng nào khác, tham nhũng vặt là nơi gặp gỡ giữa lòng tham và quyền lực. Quyền lực luôn có xu hướng tha hóa, lạm quyền khi không được kiểm soát tốt và xu hướng này sẽ trở thành các hành vi tham nhũng.
Tham nhũng vặt diễn ra hằng ngày qua các giao dịch bình thường trong xã hội. Đôi khi nó chỉ là những “món quà” để đổi lấy sự châm chước, sự ưu tiên hay những khoản hối lộ "nho nhỏ" như nhân viên các cơ quan công quyền các cấp gây khó dễ đối với người dân đến giao dịch để nhận tiền "bồi dưỡng", "tiền trà nước"…
Còn nhìn dưới góc độ văn hóa, đạo đức xã hội, việc này ít nhiều còn đến từ chính quan niệm đã “ăn sâu bén rễ” vào đời sống từ xưa đến nay. Như TS Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội) phân tích, tham nhũng vặt hay đút lót, hối lộ cũng ít nhiều bắt nguồn từ thời phong kiến và xã hội nông nghiệp.
Trong nhiều tác phẩm văn học đã đề cập đến chuyện ông lý trưởng, xã trưởng, hương kiểm mua quan bán chức, ăn chặn của dân... Đến nay, dù xã hội phát triển, nhưng cái phong cách sống và tinh thần của người Việt vẫn chưa bỏ được quan niệm cũ kỹ “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu", người ta lặng lẽ công nhận thứ “văn hóa” này, nên mặc nhiên đã tạo ra cái gọi là tham nhũng vặt, hay có lúc còn gọi là “văn hóa phong bì”.
“Nếu nói văn hóa là nền tảng đời sống tinh thần của xã hội thì tham nhũng vặt, văn hóa phong bì phổ biến làm vẩn đục đời sống, văn hóa tinh thần. Đi đến đâu cũng nghĩ đến “đút lót” kể cả trong môi trường giáo dục, y tế. Ai cũng biết là sai nhưng không làm gì hoặc không làm gì được, bởi người Việt rất dễ thỏa hiệp với việc đó, bởi quan niệm “được việc”, “cho yên tâm”, vô tình đã tạo nên khía cạnh văn hóa không đẹp” - ông Lưu Minh Trị nhận định
Ăn mòn đạo đức xã hội
Khi đề cập đến “loại” tham nhũng này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã nhận định, trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, đã có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư, trong đó sẽ tập trung, nhất là hành vi tham nhũng vặt nhưng không vặt.
Bởi “một ngày hẹn 40 chục xã và công ty đến, nhận phong bì, rồi cứ thế cho vào tủ thôi, rất đơn giản, có trường hợp lên đến hàng tỷ đồng, không hề vặt” - Thứ trưởng Lê Quý Vương dẫn chứng khi nhắc đến vụ mấy cán bộ thanh tra một ngày xuống địa phương đã kiếm tiền tỷ.
Trong các vụ tham nhũng vặt nhưng không vặt gần đây nhất là vụ việc cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng có hành vi “vòi tiền” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Điều đáng nói, đây không phải là vụ việc bị phát hiện đầu tiên. Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với một số cán bộ Thanh tra về tội nhận hối lộ... khiến người dân rất bức xúc.
Cùng với đó, ở góc độ công vụ, tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi, len vào những ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí nhiều đến mức chúng ta đã thấy “quen mắt”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến đã nhận định: Không khó để nhận diện tham nhũng vặt. Ra đường, Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “thông cảm” bằng vài trăm nghìn đồng. Vào trường học, việc xin chỗ học tốt cho con cũng được “bảo hộ” bằng quà cáp hoặc có quan hệ mới xong.
Rồi việc “lót tay” ở bệnh viện, ở các cơ quan công quyền khi cần đến làm thủ tuc hành chính gì đó đã thành “chuyện thường ngày”. Lớn hơn là tình trạng cán bộ, công chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để sách nhiễu, nhận “lót tay”... Có thể nói rằng, muôn hình vạn trạng, tham nhũng vặt diễn ra khá phổ biến, nguy hại, đã thành căn bệnh trầm kha và đôi khi người dân lại nhờn, lại quen và coi như chuyện phải có.
“Đây gần như là cơ chế xin cho. Phải có gì thì tôi mới tạo điều kiện cho anh nhanh được. Đây không còn là theo thói quen, mà là sự báo động sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Bởi vì người làm công vụ dù ở bất kỳ cấp nào, đúng ra phải có trách nhiệm với việc mình cần làm, vậy tại sao lại phải “có cái gì đó” mới làm nhanh, làm được? Đó chính là sự phản văn hóa rất xấu xí” - ông Lê Như Tiến nói.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng chỉ ra, tham nhũng vặt rất nguy hại, bởi nó ảnh hưởng đến từng người, từng nhà, từng gia đình. Cứ nói “vặt” nhưng trên thực tế nó “nã” vào túi của từng người dân nên tổng số tiền là lớn. Có những người dân hoàn cảnh rất khó khăn vẫn phải chấp nhận chi trả những khoản tiền để lo thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận lợi.
Nguy hại hơn, tham nhũng vặt nếu để tồn tại quá lâu sẽ hình thành hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi tiếp xúc với nhau để trao đổi công việc, thực hiện thủ tục hành chính. Đó là thói quen “không có tiền, công việc không chạy”.
“Tôi đã đưa ra hình ảnh một con đê có thể bị phá bởi những ổ mối rất nhỏ. Những ổ mối đó ban đầu rất nhỏ nhưng nó cứ ăn dần, ăn mòn, cuối cùng khiến cả con đê bị rỗng. Tham nhũng vặt cũng như vậy! Nếu chậm trễ, tham nhũng vặt sẽ ăn mòn đạo đức xã hội, gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của người dân” - bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Nền công vụ văn minh
Tham nhũng vặt đang ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức trong xã hội, mang tính phổ quát, thành một thứ “tập quán” xấu ở Việt Nam. Vậy làm sao để ngăn chặn, xây dựng nền công vụ văn minh? Đó là vấn đề đang được đặt ra để giải quyết.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, chính sự thiếu minh bạch là mảnh đất màu mỡ nảy nở những điều xấu, đục nước béo cò. Cái xấu lại không được phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời thì lan nhanh như một thứ bệnh truyền nhiễm. Tham nhũng vặt “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý đa số người dân, DN sẵn sàng đưa hối lộ để được việc, chấp nhận "bôi trơn” thay vì phải tố cáo hành vi tiêu cực… Và cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, xem đó như là một “thủ tục hành chính” trong quy trình cải cách thủ tục hành chính.
Do đó, việc xây dựng nên công vụ văn minh là vấn đề được nhiều người đề cập tới. Theo TS Lưu Minh Trị, hiện tham nhũng vặt đã bước đầu được xử lý mạnh mẽ hơn cùng với các quy định của luật, việc xây dựng văn hóa nếp sống, văn hóa công vụ, nhưng vẫn thiếu những chế tài, quy chế cụ thể để kiên quyết, dứt khoát chống. Do đó, hệ thống chính trị phải cuộc đồng bộ, sự lên án từ xã hội phải tăng cường hơn để thay đổi về nhận thức và đạo đức xã hội. Hơn nữa phải làm thường xuyên, không phải theo phong trào.
“Tham nhũng vặt là vi phạm văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống. Nếu xã hội mà nhiều tham nhũng vặt là ô nhiễm văn hóa, lối sống càng tăng. Người đi đút lót và người nhận đều vi phạm các phạm trù này. Do đó, cùng với các quy định, quy chế, phải tăng giáo dục đạo đức xã hội nhiều hơn” - TS Lưu Minh Trị nói.
Đồng thời, theo nhiều ý kiến chỉ ra, để chặn tình trạng tham nhũng vặt, điều quan trọng nhất vẫn là con người. Công chức phải phục vụ và đáp ứng yêu cầu của người dân. Đầu tiên phải bỏ được cơ chế xin - cho; rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ… Hành lang pháp lý phải chặt chẽ, không để có khoảng trống pháp lý, kẽ hở để cán bộ, công chức không thể tham nhũng, hối lộ.
Cùng với đó, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hối lộ thì sẽ không dám tham nhũng. Cuối cùng là phải tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi thói quen chi tiền để làm nhanh, để “đi tắt, đón đầu” và tạo cho người dân những cơ chế để giám sát thực thụ.
"Tôi đã đưa ra hình ảnh một con đê có thể bị phá bởi những ổ mối rất nhỏ. Những ổ mối đó ban đầu rất nhỏ nhưng nó cứ ăn dần, ăn mòn, cuối cùng khiến cả con đê bị rỗng. Tham nhũng vặt cũng như vậy! Nếu chậm trễ, tham nhũng vặt sẽ ăn mòn đạo đức xã hội, gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới lòng tin của người dân. " - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải
Làm hư hỏng nền công vụ "Tham nhũng lớn có thể nhìn thấy, cũng có thể phát hiện nhưng tham nhũng vặt rất khó dù gây nhiều bức xúc, làm hủy hoại, tha hóa cả một cái lượng cán bộ, công chức rất đông đảo, làm hư hỏng nền công vụ ngay từ cơ sở, là một trong những nguyên nhân lớn làm cho cải cách hành chính trì trệ, tắc nghẽn, làm mất dần niềm tin trong Nhân dân. Dù lợi ích vật chất của tham nhũng vặt là nhỏ nhưng sau nhiều lần thì cái lợi vật chất thu được cũng sẽ trở thành lớn, nên đây vẫn là hành vi sai trái cần phải loại bỏ. Một xã hội mà tham nhũng vặt trở thành cái lệ, trở thành văn hóa phong bì, văn hóa lo lót thì chắc chắn sẽ tạo ra cái nền cho các vụ tham nhũng lớn. Đã tham nhũng cái nhỏ khi có cơ hội thì chắc chắn sẽ tham nhũng lớn. Cái đáng lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở thành hệ thống thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Nên không thể “thỏa hiệp”, cần loại bỏ bằng nhiều giải pháp như hiện nay đang thực thi, nhưng cương quyết và mạnh mẽ hơn." - PGS. TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội
Đừng dễ dàng thỏa hiệp "Tham nhũng vặt chính là nét phản văn hóa cần phải lên án, phê phán mạnh. Lên án bằng chính những người trong cuộc, đừng thỏa hiệp, đừng coi là điều tất nhiên. Bởi khi một thói xấu đã “ăn sâu bám rễ” vào đời sống rồi thì không dễ gì ngăn lại nếu không có một hệ thống giải pháp. Trước hết là tăng cường giáo dục về đạo đức công vụ; có hệ thống camera để giám sát, ngăn chặn. Nếu phát hiện vi phạm phải có phản ánh, phê bình, góp ý và xử lý cương quyết. Sau nữa là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong kiểm soát hành vi của chính mình và những người dưới quyền. Thực thi hiệu quả các nội dung đã được các văn bản luật, dưới luật quy định về vấn đề này. Nhưng điều quan trọng là đừng làm phong trào, mà phải có thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, kịp thời. Phải quyết tâm làm và tạo sự chuyển biến của toàn xã hội chứ không chỉ ở một vài cơ quan, tổ chức nào đó." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Lê Như Tiến
|