Nhà máy được đầu tư xây dựng từ tháng 1/2017 trên diện tích 12.500m2, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18HP-120HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO-TS16949.
Nhà máy nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn LS Mtron, hãng sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc. Theo đó, LS Mtron chuyển giao công nghệ sản xuất máy kéo và đào tạo cho kỹ sư THACO trong việc nội địa hóa các linh kiện máy kéo đạt hàm lượng giá trị khu vực (RVC) đến 50%. Máy móc, thiết bị sản xuất do THACO tự nghiên cứu chế tạo với sự tư vấn từ LS Mtron và nhập khẩu từ Hàn Quốc một số thiết bị thử nghiệm trong nước chưa sản xuất được như thiết bị kiểm tra tốc độ, lực nâng, trục trích công suất...
Mục tiêu THACO đặt ra là từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, nâng cao hàm lượng công nghệ, tạo ra các sản phẩm máy kéo có chất lượng cao, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của từng vùng miền tại Việt Nam.
Sản phẩm máy kéo được đưa ra thị trường trong nước với mục tiêu đạt 7% thị phần vào năm 2018 với 500 máy kéo và 38% thị phần với 2.100 máy kéo vào năm 2026. Ngoài ra, nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia…
Nhà máy sẽ ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu sẵn có trong nước; liên kết với các nhà sản xuất trong nước để sản xuất các linh kiện nội địa hóa; nhập khẩu các linh kiện chuyên dụng công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được từ Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Năm 2018, cùng với việc khánh thành Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp tại Chu Lai, THACO sẽ thiết lập hệ thống phân phối và bán lẻ trên toàn quốc và triển khai dự án khu công nghiệp chuyên về lúa và ngũ cốc tại tỉnh Thái Bình, tích cực liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyên về cây ăn trái và cây công nghiệp để từng bước phát triển máy móc các loại nhằm cơ giới hóa và tổ chức sản xuất công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt theo nhóm như ngũ cốc, cây ăn trái và cây công nghiệp.
Công nghiệp hoá nông nghiệp được xem là lĩnh vực kinh doanh mới của THACO nhằm góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp Việt Nam theo hướng cơ giới hóa tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối.