Thông tin này nhận sự quan tâm không chỉ trong hệ thống ngân hàng mà cả từ DN và thị trường bởi vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhất là những năm căng thẳng về room tín dụng.
Room tín dụng được chính thức triển khai vào năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn lạm phát rất cao, xuất phát từ việc gia tăng cung tiền liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng do NHNN công bố vào đầu mỗi năm. Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước tùy vào sức khỏe tài chính của các ngân hàng như chất lượng tín dụng và hiệu quả quản lý tín dụng.
Đối với các chuyên gia kinh tế thì room tín dụng của NHNN đã lỗi thời đang thể hiện sự áp đặt chủ quan mà không cân nhắc đến các kế hoạch phát triển của từng ngân hàng thương mại, từ đó phát sinh những rủi ro “xin - cho” và không theo cơ chế thị trường. Việc này khiến các ngân hàng khó chủ động trong tăng trưởng tín dụng. Thậm chí có lúc dòng tiền bị nghẽn vì đợi phân bổ hạn mức từ NHNN.
Xét về mặt lợi ích thì quyết định bỏ room tín dụng sẽ giúp ngân hàng mở rộng khả năng cung cấp tín dụng nhanh hơn, không bị giới hạn bởi các quy định của NHNN. Điều này có thể giúp các DN và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, khi room tín dụng được bỏ thì có thể các ngân hàng sẽ quay trở lại việc phát triển theo chiều rộng dựa trên kỳ vọng của họ về việc cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, khi đó sẽ có thể đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành đến những lĩnh vực có rủi ro cao. Sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã đặt ra vấn đề kiểm soát sở hữu chéo và dòng vốn qua hệ thống ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN hối thúc, yêu cầu các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ cho vay "sân sau", lợi ích nhóm.
Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, lộ trình thay đổi room tín dụng như thế nào sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện bảo đảm tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng. Cũng theo NHNN, việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình và từng bước thực hiện phù hợp điều kiện thị trường.
Việc đề xuất bỏ room tín dụng là trả ngành ngân hàng về cơ chế thị trường. Hiện NHNN đang có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế công cụ hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, như tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, sử dụng điều tiết qua công cụ dự trữ bắt buộc. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng nhanh, NHNN có thể tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát.
Bên cạnh lộ trình bỏ room tín dụng, cần đặt chất lượng tín dụng, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích... Nhà điều hành có thể đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.