Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Thái Bình: chương trình nghệ thuật đặc sắc chào đón tuổi hai mươi

Ánh Tuyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 30/6, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng thị xã (30/6/1954 - 30/6/2024) và 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình (30/6/2004 - 30/6/2024) đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Quảng trường Thái Bình.

Thái Bình bắn pháo hoa chào đón tuổi 20
Thái Bình bắn pháo hoa chào đón tuổi 20

Lần đầu tiên người dân và du khách được thưởng thức màn nghệ thuật trình diễn Droneshow. Một công nghệ trình diễn sánh sáng hiện đại với hàng trăm máy bay không người lái đã mang đến cảm xúc tuyệt vời cho người xem. 

Thành phố Thái Bình vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm.
Thành phố Thái Bình vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm.

Bức tranh ánh sáng tái hiện hành trình xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình với nhiều biểu tượng đại diện cho 70 năm ngày giải phóng và 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình.

Tự hào là vùng đất thiêng bên dòng sông Trà Lý, với tên gọi “Bố Hải Khẩu” nơi hội tụ khí thiêng sông nước, phong thủy giao hòa, đất đai màu mỡ là tiền đề để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh Thái Bình.

Vùng đất thiêng bên dòng sông Trà Lý, với tên gọi Bố Hải Khẩu.
Vùng đất thiêng bên dòng sông Trà Lý, với tên gọi Bố Hải Khẩu.

Nằm ở một vị trí trọng yếu nhất của miền cửa biển đầu sông, trải qua các triều đại phong kiến, vùng đất Bố Hải Khẩu đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc: thế kỷ thứ VI, vùng đất này đã được Lý Bí chọn là căn cứ đầu tiên để lật đổ ách thống trị, lập nên nhà nước Vạn Xuân; thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đã tìm về và mượn thế nương tựa sứ quân Trần Lãm, thống nhất giang sơn, dựng nghiệp đế vương. Đây cũng là nơi hội tụ khí thiêng sông nước, phong thủy giao hòa, đất đai màu mỡ là tiền đề để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, là nơi vua Lý Thái Tông  đã cày ruộng tịch điền để khơi dậy các chính sách khuyến nông.

Cầu Bo, cây cầu kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Bên sông Trà Lý, dấu tích còn lại của cây cầu Bo lịch sử được Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX vẫn còn đó. Cây cầu bắc qua sông Trà Lý nối liền tuyến đường 10, phía Tây Nam giáp thị xã Thái Bình nay là thành phố Thái Bình, phía Đông Bắc giáp với xã Đông Ninh, huyện Đông Quan nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Cầu đi qua làng Bo nên được đặt tên là cầu Bo, sau đổi tên là cầu Độc Lập.

Đối với người dân, đây là cây cầu hiện đại và đẹp nhất Thái Bình thời đó. Là cây cầu duy nhất lúc bấy giờ bắc qua sông Trà Lý, cầu Bo có vị trí chiến lược về giao thông. Vì vậy, khi thực dân Pháp rút quân đã chủ động cho nổ mìn đánh sập cầu Bo vào 17 giờ ngày 30/6/1954. Khi thị xã giải phóng, quân và dân đã sửa chữa lại cầu. Cầu Bo mới được xây dựng gần cây cầu cũ, cùng với những cây cầu bắc qua sông Trà Lý không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại và thông thương, phát triển kinh tế mà còn là điểm nhấn trong không gian đô thị thành phố Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Chợ Bo cũng  là một trong những địa danh song hành cùng sự phát triển của thị xã Thái Bình ngày xưa, thành phố Thái Bình ngày nay. Chợ Bo được xây dựng lại và đi vào hoạt động từ năm 2004. Đây là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thị xã và công bố Nghị định của Chính phủ thành lập thành phố Thái Bình.

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã, 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã, 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình

Trước đó, chợ Bo cũ họp tại đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tọa lạc ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố Thái Bình, cùng với lịch sử hơn 40 năm tồn tại, ngôi chợ không chỉ là nơi diễn ra hoạt động buôn bán mà còn là nơi chứng kiến bao thăng trầm cùng những biến động của dòng lịch sử.

Tỉnh Thái Bình rất vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, trong đó có 2 lần Bác về thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình). 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy, Nhân dân thị xã Thái Bình đã chủ động tổ chức kháng chiến toàn diện, với tinh thần “Tất cả để kháng chiến”, Đảng bộ, quân và dân thị xã đã bền gan quyết chí, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nhiều chiến công, phá nhiều đồn, bốt (bốt chợ Bo, đồn Hậu Quản, đồn An Tập,… bẻ gãy nhiều trận càn (trận càn “Con trâu”, đập tan trận càn “Trái quýt”...); làm tốt công tác địch vận, khiến hàng ngũ địch tan rã, bên cạnh đó Thị ủy chủ động chỉ đạo bố trí lực lượng vừa đánh địch vừa bảo vệ và sẵn sàng tiếp quản các cơ sở quan trọng không để địch phá hoại trước khi rút chạy như (Nhà máy điện, Đài Phát thanh, Sở Công chính, Ty Công an,...).  

Hơn 4 năm chiến đấu không quản hy sinh, gian khổ với ý chí quật cường, bất khuất trước kẻ thù, ngày 30/6/1954, Đảng bộ và Nhân dân thị xã đã quét sạch bóng quân thù, thị xã Thái Bình được giải phóng hoàn toàn. Trong chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Thái Bình tiếp tục cùng cả nước thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân Thị xã vừa sản xuất vừa chiến đấu, tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với tinh thần tất cả hướng về miền Nam ruột thịt, bằng khẩu hiệu hành động “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Nhân dân thị xã đã tiễn đưa trên 14.000 người con thân yêu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Kết thúc chiến tranh có 1.960 anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước; 1.659 đồng chí thương binh đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã, nay là thành phố Thái Bình vinh dự được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”; 47 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Thành phố Thái Bình hôm nay vinh dự là nơi đặt Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Bình.

Bản đồ thành phố Thái Bình mở rộng. Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định mục tiêu xây dựng thành phố Thái Bình đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025. Đến năm 2030, diện tích toàn đô thị khoảng 131,87 km2; quy mô dân số toàn đô thị khoảng 566.000 người; tỷ lệ dân số nội thị khoảng 85,6%. Về định hướng phát triển không gian, thành phố sẽ phát triển theo 2 cực với việc lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan trung tâm, tạo động lực phát triển lan tỏa ra các khu vực xung quanh để từng bước mở rộng không gian đô thị.

Biểu tượng Rồng Việt bay lên thể hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Thái Bình tiếp tục đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng thành phố Thái Bình phát triển nhanh và bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng; có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, kết nối thuận lợi; là đầu tàu kinh tế, là trung tâm thương mại dịch vụ của tỉnh, có sức thu hút và lan tỏa cao; phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nếp sống văn minh đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; có tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; phấn đấu đến năm 2025, thành phố được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đến năm 2030 trong nhóm các đô thị phát triển khá, đến năm 2045 trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của khu vực.

Lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã, 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, là dịp để ôn lại, khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang và những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển; đồng thời, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, thế mạnh của tỉnh, thành phố; góp phần thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực cho Nhân dân tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.