Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đầu tư công

Công Thọ - Giang Ngân - Hùng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản báo cáo làm rõ một số nội dung được đại biểu HĐND TP nêu trong thảo luận tại tổ vào chiều 3/12.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại tổ chiều 3/12, nhiều đại biểu HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố báo cáo nguyên nhân vì sao vốn đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua giải ngân chậm, nhiều dự án chậm tiến độ, không sử dụng hiệu quả nguồn lực của thành phố?
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản báo cáo làm rõ một số nội dung được đại biểu HĐND TP nêu trong thảo luận tại tổ vào chiều 3/12
Làm rõ nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội, đầu tư công, cập nhật đầu tư công trung hạn trình kỳ họp thứ mười một HĐND thành phố, UBND thành phố đã báo cáo rõ 4 nhóm nguyên nhân khách quan và 4 nguyên nhân chủ quan dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản chậm, trong đó có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB); chủ đầu tư thiếu quyết liệt; năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, quận, huyện trong quá trình triển khai dự án đôi lúc, có nơi chưa chặt chẽ, dẫn đến tiến độ dự án đầu tư công chậm.
“Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công, có nhiều thủ tục, quy trình phức tạp hơn thời gian trước đây, từ chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư, điều hòa vốn đều phải tuân theo quy trình chặt chẽ hơn nên ảnh hưởng đến tiến độ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm.
Để đẩy nhanh tiến độ, thời gian tới, thành phố đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường định kỳ giao ban hằng tháng, hằng quý với các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn để kịp thời tháo gỡ thủ tục khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, GPMB, đặc biệt thực hiện giải ngân, thanh quyết toán kịp thời.
Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư đề ra tiến độ cụ thể, chi tiết để kiểm đếm theo tiến độ từng dự án.
Ngoài ra, công việc rất quan trọng, quyết định khâu giải ngân vốn đầu tư là GPMB. Thành phố đã có nhiều cải cách hành chính liên quan đến công tác này, đặc biệt tăng cường phân cấp cho chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chỉ đạo điều hành. Trong định giá đất bồi thường, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách.

TP đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế tập thể

Cụ thể, với vấn đề ĐB đề nghị UBND TP Hà Nội đánh giá về kinh tế tập thể, đồng chí Nguyễn Doãn Toản cho biết: Việc phát triển kinh tế tập thể được TP rất quan tâm và đặc biệt trong những năm gần đây, riêng năm 2019, Thành ủy đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện NQ 13 của Trung ương lần thứ 5, khóa IX, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, TP cũng đã tập trung phân tích rõ và làm rõ những kết quả đạt được, cho thấy, thời gian qua, TP đã quan tâm, có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ các hợp tác xã như chính sách thành lập mới hợp tác xã (HTX), chính sách đào tạo, chính sách bồi dưỡng cán bộ HTX và hỗ trợ về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, đặc biệt giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, số lượng HTX thành lập mới tăng lên đến 1,56 lần so với giai đoạn 2003-2013, dự kiến đến nay toàn TP có 1942 HTX tăng 4% so với năm 2018, có 11 Liên hợp HTX, tăngu 10% so với năm 2018, có 1493 tổ hợp HTX tăng 7,1%, tỷ số HTX hoạt động có xu hướng hiệu quả tăng lên năm 2003 có 46% nhưng năm 2018 có 60,9%.

 Nhìn chung, các HTX tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trong quản trị điều hành, các loại hình HTX được đa dạng hóa trong các lĩnh vực, tỷ lệ đóng góp cho GDP thành phố đạt mức từ 0,71-0,72% và góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân nông thôn. Tuy nhiên, còn một số hạn chế của lĩnh vực này, thứ nhất, tỉ lệ HTX còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong khu vực doanh nghiệp, toàn TP có khoảng 270.000 DN trong đó HTX mới có 1942, đây là con số rất thấp. Thứ hai, thu nhập bình quân khu vực này so với khu vực doanh nghiệp còn thấp. Trong thời gian tới, TP tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ trong việc tuyên truyền, quán triệt để thống nhất vai trò của HTX trong nền kinh tế nói chung, TP nói riêng. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX, khuyến khích các HTX ứng dụng khoa học kĩ thuật để đổi mới mô hình quản trị, đối với mô hình sản xuất để cơ cấu lại, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tập trung chỉ đạo để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp

Các ý kiến của ĐB nêu về việc cần bổ sung đánh giá nguyên nhân một số chỉ tiêu đánh giá còn thấp, khó hoàn thành kế hoạch như phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ và biện pháp thực hiện trong thời gian tới. Về lĩnh vực công nghiệp, trong năm 2019, dự kiến tăng lên 8,89% và kế hoạch đề là 8,6-8,8%, tuy nhiên, bình quân của 5 năm 2016-2020, dự kiến tăng 8,25% và kế hoạch đặt ra là từ 8,6-9%. So với giai đoạn này, các năm trước, từ 2018 đổ về trước, lĩnh vực này tăng cũng không cao. Nguyên nhân một số DN có quy mô sản xuất lớn, sản xuất phải di chuyển ra ngoài do yêu cầu về mặt bằng sản xuất nhưng do TP chưa đáp ứng được cho nên họ tìm đến các tỉnh lân cận, có giá thuê đất thấp hơn, mặt bằng thuận lợi hơn, di chuyển sản xuất ra các tỉnh khác cũng ảnh hưởng đến tỉ trọng và giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hạ tầng các khu công nghiệp của Tp cũng đã tích cực nhưng so với yêu cầu còn chưa đáp ứng được, hiện còn 8 KCN cơ bản đã lấp đầy, một số KCN chúng ta đang triển khai xây dựng dự án, chủ trương đầu tư, triển khai đầu tư như Đông Anh, Sóc Sơn và chúng ta đang triển khai xây dựng các KCN. Trên địa bàn hiện nay chúng ta có 70 KCN và cơ bản đã lấp đầy, và trong quy hoạch mới, chúng ta tập trung xây dựng khoảng 30 KCN nữa, trong năm 2018-2019, năm nay chúng ta sẽ có khoảng 20 cụm CN được thành lập, sẽ có điều kiện mặt bằng để cho các DN thuê đất và thuê lại quỹ đất để phát triển CN. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm UBND TP tập trung chỉ đạo để thúc đẩy phát triển lĩnh vực CN trên địa bàn.

Tập trung rà soát lại các dự án chậm triển khai

TP cần xây dựng nội dung, lộ trình cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu còn thấp, khó hoàn thành như công nghiệp, phụ trợ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên bền vững. TP sẽ tập trung vào phát triển các khu, các cụm CN để thu hút các DN vào đầu tư, tạo điều kiện để các DN nâng cao năng lực đầu tư và đặc biệt là mở rộng sản xuất. Đối với nguồn lực, năm 2019, liên quan đến công tác giao đất và thu sử dụng đất, các dự án có thu sử dụng đất, việc này nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là khâu thủ tục hành chính. Từ khâu giao đất đến xác định nghĩa vụ tài chính đất đai.., việc này trong năm 2020, TP tập trung rà soát lại các dự án chậm triển khai, vi phạm quản lý đất đai, thu hồi và giao chủ đầu tư mới theo quy định của pháp luật, có điều kiện để chúng ta khắc phục đất để hoang hóa, ảnh hưởng phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nói chung cũng như là huy động nguồn lực tài chính từ đất đai cho lĩnh vực này.

Tăng cường, chủ động tháo gỡ khó khăn về cổ phần hóa và thoái vốn

Về lĩnh vực liên quan đến cổ phần hóa và thoái vốn. Theo kế hoạch 2016-2020 mà Chính phủ phê duyệt, TP phải cổ phần hóa 15 DN và thoái vốn 34 DN mà UBND TP là đại diện sở hữu và thoái vốn của các DN trực thuộc TP, các tổng công ty là 67 DN. Đến nay, như báo cáo, TP mới cổ phần hóa được 1/15 DN. Đó là Tổng công ty thương mại. Trong 15 DN, có 1 DN chuyển sang hình thức sắp xếp khác do không đủ điều kiện cổ phần hóa, DN làm ăn thua lỗ, nợ còn lớn hơn vốn sở hữu nên chúng ta còn 14 DN. Chúng ta đã thoái vốn được 7/34 DN, trong đó có 3 DN khi thực hiện chuyển nhượng đấu giá không thành công, chúng ta đưa ra mức giá khởi điểm nhưng ra trung tâm giao dịch chứng khoán đấu giá thì không bán được. Về thoái vốn của các DN trực thuộc TP thì chúng ta đã thoái được 29/67 DN. Trong đó 4 DN vẫn chưa bán hết cổ phần cháo bán. Tuy nhiên trong các DN này, tất cả các bước của cổ phần hóa và thoái vốn chúng ta đang làm, từ khâu thành lập ban chỉ đạo đến khâu rà soát sắp xếp nhà đất cũng như thuê tư vấn, chọn tư vấn, xác định giá trị DN... Các DN đều đang được đồng loạt triển khai và chưa đến đích. Tuy nhiên so với tiến độ như trên, tình hình chung của cả nước và địa phương trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như Chính phủ đánh giá đều còn chậm so với yêu cầu, chúng tôi cũng nhận thức được điều đó. Nguyên nhân, trước đây chúng ta cổ phần hóa theo Nghị định (NĐ) 59 nhưng sau tháng 11 năm 2017, Chính phủ ban hành NĐ 126, thay thế NĐ 59, trước đây sắp xếp theo NĐ 59 thì ngày 31/12, Chính phủ ban hành NĐ 167 và NĐ 32. Trong những quy định này có sự thay đổi một số nội dung theo hướng chặt chẽ hơn và quy trình cũng có nhiều bước hơn. Ví dụ như trước đây đối với DN thoái vốn mà trên 51% là chúng ta không được sắp xếp, chỉ có DN 100% thì mới thực hiện sắp xếp thì bây giờ các DN đạt 51% cũng phải sắp xếp. Do vậy quá trình, sắp xếp, rà soát, chúng ta phải sắp xếp xong mới có thể thoái vốn. Có vậy DN cổ phần hóa cũng rất lâu, bây giờ chúng ta lại phải lục lại hồ sơ, kết quả thoái vốn cũng ảnh hưởng và hạn chế.

Về công tác cổ phần hóa, khi  sắp xếp nhà đất theo NĐ 167, trước đây có 1 số DN đã thực hiện sắp xếp rồi nhưng đã đưa một số địa điểm đất đưa vào liên doanh liên kết các dự án đầu tư. Nhưng rà soát lại theo quy định NĐ 167 hiện tại thì nếu DN lựa chọn liên doanh liên kết thì phải thực hiện đấu thầu cho nên cũng phải xử lý tồn tại này tại các DN trước khi chúng ta thực hiện sắp xếp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chặt chẽ trước khi phê duyệt phương án nhà đất để thẩm định cái gì giữ lại, cái gì tiếp tục đầu tư và cái gì tiếp tục thu hồi. Thứ ba, trong NĐ 126, chúng ta phải có kế hoạch tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa DN và thoái vốn. Thời gian mất nhiều hơn nên ảnh hưởng đến tiến độ. UBND TP cũng rất sốt ruột nhưng so với yêu cầu vẫn có nguyên nhân về chủ quan và khách quan. Về chủ quan, tâm lý của DN khi thực hiện sang cổ phần hóa còn có e dè vì liên quan đến công tác tài chính, tổ chức cán bộ... TP đã chỉ đạo nếu các thủ trưởng đơn vị, giám đốc DN mà làm trì hoãn tiến trình cổ phần hóa thì phải bị xử lý về công tác cán bộ. Thời gian tới, TP tập trung công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Những bất cập, vướng mắc, TP đã chỉ đạo các sở,ngành tăng cường tháo gỡ, để chủ động tháo gỡ, những vấn đề vướng mắc về cơ chế, thể chế, chính sách đã kịp thời báo cáo Chính phủ để tháo gỡ. Với phương châm, chúng ta không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng việc sắp xếp, cổ phần hóa DN.