Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấu đáo và đa chiều

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) liên quan mật thiết đến hàng triệu người lao động trên cả nước đã lần đầu tiên được trình ra Quốc hội cho ý kiến. Có thể nói rằng, do tác động đến tất cả các thành phần kinh tế, mọi đơn vị, DN và người lao động, nên Dự án Bộ Luật không chỉ làm “nóng” nghị trường mà cả hành lang Quốc hội, với nhiều ý kiến đa chiều trước các đề xuất mới từ tăng tuổi hưu, tăng giờ làm thêm…

Người lao động làm việc tại một công ty trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Tính từ Bộ Luật Lao động năm 1994, Bộ Luật này đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung thêm các nội dung điều chỉnh mới phù hợp thực tiễn. Với lần sửa đổi này, hầu hết ý kiến các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết bổ sung thêm các quy định mới để tạo môi trường pháp lý linh hoạt hơn cho năng lực cạnh tranh và đảm bảo quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến và đến khi trình Quốc hội, các quy định được Dự án Bộ Luật điều chỉnh đã tạo nên những ý kiến tranh luận trái chiều.
Chỉ riêng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã có nhiều quan điểm khác nhau. Với quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể trì hoãn vì áp lực thiếu hụt lao động và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí đã nhãn tiền. Đồng thời, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lần này là điều chỉnh dần, theo lộ trình chậm. Với phương án được cơ quan soạn thảo chọn, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 và áp dụng trong điều kiện bình thường, sức khỏe bình thường. Đồng thời, người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi trong một số trường hợp.
Một số đại biểu cũng phân tích, không thể cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho những cán bộ lãnh đạo, người có chức, có quyền bởi thực tế tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng đồng nghĩa sức lao động cũng tăng. Nhưng ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến lại nhìn nhận, tăng tuổi hưu nghĩa là kéo dài thêm thời gian làm việc của người lớn tuổi, và người trẻ muốn tham gia thị trường lao động sẽ ít nhiều bị hạn chế cơ hội. Nên lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ. Đồng thời, nếu lý giải tăng tuổi hưu vì nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm cũng chưa thuyết phục.
Hay như việc tăng khung tối đa giờ làm thêm, dù đi cùng đề xuất này, Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, những lo ngại về gia tăng gánh nặng đối với ngân sách trong việc bảo đảm an sinh xã hội khi người lao động bị suy giảm khả năng lao động, trong khi tuổi nghỉ hưu sẽ tăng; lao động từ 40 tuổi trở lên khó có thể làm thêm giờ nên dễ bị DN chấm dứt hợp đồng lao động để tuyển dụng lao động mới… không phải không có lý.
Có thể nói rằng, Bộ Luật Lao động là “luật gốc”, “luật mẹ” của hệ thống pháp luật về lao động và có phạm vi tác động lớn đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, thậm chí là những nhóm đối tượng có sự xung đột về quyền lợi. Chính vì thế, mỗi đề xuất sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ của Bộ luật này đều nên được đánh giá tác động đa chiều, thấu đáo. Để có phương án tối ưu, đúng như ý kiến nhiều đại biểu, Dự án Bộ Luật cần thiết phải được tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi hơn, nhất là ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học... Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ một số chính sách liên quan đến người lao động khi đưa ra bị dư luận phản ứng thời gian qua, với phạm vi sửa đổi, bổ sung rất lớn như Dự án Bộ Luật này, cần dự liệu được cả những phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách một cách căn cơ, nhất quán.