Theo một podcast mới đây của tạp chí Bloomberg, xu hướng này bắt đầu nở rộ từ thời kỳ đại dịch Covid-19, khi những cá nhân giàu có dần rời khỏi các thành phố lớn như San Francisco (Mỹ) để xây dựng các trung tâm tài chính mới ở những địa điểm tuy nhỏ hơn nhưng được họ xem là “lý tưởng hơn”.
Việc thực hiện ý tưởng này rất đơn giản: họ thường di cư đến đến các thành phố có thuế suất thấp, quy định còn lỏng lẻo nhưng có mức sống cao. Ví dụ, thành phố Miami, bang Florida (Mỹ) đang trở thành “điểm nóng” cho các công ty công nghệ và tập đoàn đầu tư như Citadel, những đơn vị sẵn sàng di dời toàn bộ tổng hành dinh của mình chỉ để hưởng những điều kiện kể trên.
Về cơ bản, giới siêu giàu đang tạo dựng các thành phố mới từ con số không. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng.
Thế giới của “lỗ hổng” và “vùng tự do”
Nhiều thành phố được các triệu/tỷ phú nhắm đến thường đem lại cho họ các khu vực đặc biệt gọi là "vùng tự do". Đây là những khu vực mà các doanh nghiệp được hưởng nhiều khoản giảm thuế độc đáo và ít bị các quy định trói buộc hơn.
Khái niệm này trên thực tế không phải là mới. Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất) và Singapore từ lâu đã được xem là những “vùng tự do” của các công ty quốc tế bằng cách tạo điều kiện cho họ tránh được thuế suất cao và các quy định nghiêm ngặt.
Podcast của Bloomberg còn nêu bật cách những thành phố trên cho phép giới siêu giàu cất giấu tài sản của họ, thường là dưới dạng xa xỉ phẩm như vàng, ô tô và tranh vẽ trong các cơ sở lưu trữ như Freeport tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ).
Khởi đầu là một khu lưu trữ lương thực, Freeport giờ đã phát triển thành nơi các đại gia có thể giữ tài sản của họ một cách vô thời hạn mà không bị đánh thuế hay phải chịu các nghĩa vụ tài chính khác. Với mức độ an ninh nghiêm ngặt thuộc dạng bậc nhất thế giới, đây là trung tâm lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật, rượu vang cùng hàng loạt phẩm vật quý khác với tổng giá trị lên tới hàng tỷ USD. Mọi thứ được cất bên trong Freeport đều được miễn thuế nhằm tránh sự giám sát của các chính phủ.
Cuộc đua để trở thành “trung tâm của cải”
Nhiều thành phố trên khắp thế giới đang cạnh tranh để thu hút giới siêu giàu bằng cách “sao chép” ý tưởng của các thành phố như Dubai và Singapore.
Ví dụ, những nơi như Malta hay Abu Dhabi (Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất) đang dần tự định hình là các trung tâm tài chính, nhằm thu hút các cá nhân và tập đoàn giàu có bằng những luật thuế ưu đãi cùng các quy định được nới lỏng. Tuy nhiên, như podcast của Bloomberg chỉ ra, không phải nơi nào cũng có thể có thể sao chép thành công mô hình này.
Bên cạnh đó, cũng có những giới hạn về số địa điểm có thể đóng vai trò là “trung tâm của cải” từ khắp nơi trên thế giới. Dù một số quốc gia sớm nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc thu hút các nhà đầu tư giàu có, điều này đặt ra những câu hỏi mang tính đạo đức về sự công bằng và bình đẳng. Những người chỉ trích cho rằng khi quá nhiều của cải tập trung vào các trung tâm ở nước ngoài, tầng lớp bình dân có thể mất đi các dịch vụ quan trọng được tài trợ bằng tiền thuế.
Đối với người bình thường, điều này nằm ngoài tầm với của họ. Trong khi những người giàu có được sống theo bộ quy tắc của riêng họ, hình thành nên một xã hội gần như song song, thì đối với nhiều người khác, điều này đặt ra câu hỏi về sự công bằng và tác động của các hệ thống như vậy đối với phần còn lại của xã hội.