Thế giới ủng hộ bà Clinton hay ông Trump làm Tổng thống Mỹ

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tư cách là một siêu cường, việc ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng sẽ quyết định phần nào cục diện thế giới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương:
Chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những di sản của Tổng thống Obama khi còn trong Nhà Trắng. Chính sách này được hiện thực hóa qua hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cam kết tham gia vào đóng góp cho đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Do vậy, việc ai là người kế nhiệm có ý nghĩa quyết định với chính sách này.
 Quan hệ với Philippines là một trong những thách thức với tân Tổng thống.
Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, mặc dù mối quan hệ giữa Washington và đồng minh lâu năm trong khu vực là Philippines có những rạn nứt nhưng Tổng thống Obama vẫn giữ thái độ hòa nhã, tránh bị lôi kéo vào một cuộc “tranh cãi” với đồng minh lịch sử.
Nếu trở thành Tổng thống, nhiều khả năng bà Clinton cũng sẽ có chính sách tương tự. Tuy nhiên, nếu ông Trump chiến thắng, ông sẽ không dành sự khoan dung cho các phát ngôn gây shock của Tổng thống Philippines Duterte. Khi đó, mọi việc sẽ vô cùng khó đoán.
Châu Âu:
Tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều bày tỏ quan điểm ủng hộ bà Clinton, trừ Hungary.
Nhà báo Amanda Walker lý giải, nếu bà Clinton thắng trong cuộc đua đến Nhà Trắng, chính sách ngoại giao của Washington với trục xuyên Đại Tây Dương sẽ được tiếp tục. Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần công khai thể hiện quan điểm rằng, các đồng minh châu Âu đang trở thành gánh nặng của Mỹ.
 Ông Trump phản đối nhiều hiệp định thương mại với EU.
Trước đó, trong một bài phát biểu hồi tháng 7, ứng viên Tổng thống đăng Cộng hòa đã ra điều kiện với các đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Trong bối cảnh nước Nga ngày càng quyết đoán trên biên giới phía Đông của châu Âu, việc ông Trump trở thành Tổng thống sẽ không có lợi cho các nước EU.
Chính sách phản đối tự do thương mại của ông Trump có khả năng đe dọa các hợp tác kinh tế mà Washington và EU đã có. Do vậy, “Tổng thống Trump” là khả năng mà EU không bao giờ muốn.
Trung Quốc:
Tất nhiên, với tư cách là siêu cường lớn thứ 2 trên thế giới và luôn tham vọng “soán ngôi” Mỹ, thì cả 2 ứng viên Tổng thống Mỹ đều không “được lòng” Bắc Kinh.
 Cả 2 ứng viên Tổng thống đều không "được lòng" Bắc Kinh.
Thực tế, trong những lần tranh luận, cả ông Trump và bà Clinton đều coi Trung Quốc là đối thủ đáng gờm, gây ra nhiều tác động tiêu cựu đến kinh tế Mỹ.
"Hãy nhìn những gì Trung Quốc gây ra cho đất nước chúng ta, họ sản xuất các sản phẩm của chúng ta, họ phá giá tiền tệ”, ông Trump nói. Ngoài ra, trong cuộc tranh luận hôm 26/9, cả ông Trump và bà Clinton đã 12 lần nhắc tới Trung Quốc về một loạt vấn đề từ thương mại, an ninh mạng, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên...
Canada:
Trong thời gian qua, đã có nhiều người Mỹ nói đùa về việc sẽ chuyển đến Canada nếu ông Donald Trump thắng cuộc. Thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử chưa từng có này nhưng quan hệ về mặt địa lý làm cho Canada quan tâm hơn. Judith Timson, nữ nhà báo của tuần báo Toronto Star cho biết, người Canada lo lắng không biết lãnh đạo của nước láng giềng sẽ là tỷ phú tùy hứng hay là một phụ nữ.
Trước đó, ông Trump phản đối Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gọi đây là thương vụ tồi tệ nhất. Vì vậy, trường hợp chủ trương gia tăng chủ nghĩa bảo hộ dưới thời "Tổng thống Trump" trở thành hiện thực sẽ là một thách thức đối với nền kinh tế Canada.