Thể thao Việt Nam 2022 - Vượt thách thức để bứt phá

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khép lại năm 2021 với thành công và nỗi buồn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thể thao Việt Nam hướng đến năm 2022 đầy bận rộn cùng nhiều thách thức khi tập trung vào SEA Games 31 trên sân nhà cũng như ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc)…

Niềm vui đan xen nỗi buồn
Nhiều năm qua, thể thao Việt Nam luôn hướng đến những mục tiêu cụ thể để có thể vươn mình ra khu vực cũng như thế giới, trong đó các môn được đầu tư trọng điểm. Trong năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng thể thao Việt Nam đã đạt được một số dấu mốc nổi bật. Ở môn bóng đá nam, ĐT Việt Nam cũng lần đầu tiên trong lịch sử giành vé vào chơi ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong khi đó ĐT futsal Việt Nam dự VCK futsal World Cup có lần thứ 2 liên tiếp vượt qua vòng đấu bảng và chỉ chịu nhận thất bại trước nhà đương kim vô địch ĐT futsal Nga.

Thể thao Việt Nam chờ đợi màn bứt phá vào năm 2022. Ảnh: Ngọc Tú
Thể thao Việt Nam chờ đợi màn bứt phá vào năm 2022. Ảnh: Ngọc Tú

Bên cạnh những thành công còn là những nỗi buồn đan xen. Tại sân chơi Olympic Tokyo 2020, chúng ta tham gia tranh tài ở 11 môn thể thao với 43 thành viên trong đó có 25 cán bộ đoàn, HLV, chuyên gia và 18 VĐV. Những hy vọng tiếp tục được đặt lên vai các VĐV như Hoàng Xuân Vinh, Hoàng Thị Duyên hay Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng nhưng không có bất kỳ tấm huy chương nào. Một kỳ Olympic thất bại của thể thao Việt Nam, nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi các VĐV không thể đi tập huấn, tham gia các giải đấu và thay vào đó là tập “chay”.
Sau Olympic Tokyo 2020, người hâm mộ tiếp tục chờ đợi vào AFF Cup 2020 khi ĐT Việt Nam hướng tới mục tiêu bảo vệ chức vô địch. Thất bại trước người Thái khiếp thầy trò HLV Park Hang-seo trở thành cựu vương, khép lại một năm nhiều nỗi buồn với thể thao Việt Nam.
Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, Việt Nam lúc này cần phải nhìn nhận thực tế, chúng ta không có quá nhiều sự lựa chọn khi lượng VĐV giỏi quá mỏng, sự ổn định lâu dài là không có so với các nước. Đúng hơn trình độ VĐV Việt Nam còn thấp, cách xa với tầm Olympic trong khi trình độ của VĐV các nước đến Olympic đều là những nhà thể thao xuất sắc của thế giới. “Chiến lược chuẩn bị cho lực lượng VĐV tham gia Olympic phải được chuẩn bị trong nhiều năm, ít nhất là một chu kỳ Olympic đối với những VĐV rất xuất sắc. Đối với những VĐV trẻ thì cần phải 8 - 10 năm, thậm chí còn lâu hơn, khoảng 12 - 14 năm” – ông Nguyễn Hồng Minh lý giải.
Kỳ vọng vào sự “bùng nổ”
Năm 2022, thể thao Việt Nam sẽ phải căng mình ở nhiều giải đấu, trong đó có 2 nhiệm vụ trọng tâm là SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào tháng 5, cùng với đó là ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc), Đại hội võ thuật trong nhà, Đại hội TDTT toàn quốc...

Ngoài ra, bóng đá sẽ sôi động trở lại ở các giải quốc nội cũng như nhiều giải ở cấp trẻ, ĐTQG: VCK U23 châu Á, U23 Đông Nam Á, VCK ASIAN Cup nữ 2022, AFF Cup 2022… trong đó việc hướng đến tổ chức thành công SEA Games 31 góp phần phát triển thể thao khu vực Đông Nam Á cao hơn nữa theo đúng khẩu hiệu: “Vì một Đông Nam Á mạnh hơn”.
Theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, thời điểm tổ chức SEA Games 31 vào tháng 5/2022 là hợp lý nhất. Bởi ở thời điểm đó, Đại hội sẽ không trùng với các sự kiện thể thao lớn khác trong năm như Olympic mùa Đông, ASIAD. Bên cạnh đó cũng tạo thuận lợi cho Campuchia đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ 32 vào năm 2023.
Một năm bận rộn đang chờ thể thao Việt Nam khi các sự kiện liên tiếp bị dồn ứ, điều này buộc phải có những phương án cụ thể để hướng tới hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đó cũng là bàn đạp để các VĐV có thể bứt phá, mang đến thành tích cao cho cá nhân cũng như thể thao Việt Nam.
“Việt Nam tổ chức SEA Games 31 xong lại tham dự ASIAD là bài toán khó về mặt chuyên môn vì hai sự kiện quan trọng của thể thao Việt Nam diễn ra cách nhau không xa. Ngoài ra, công tác chuẩn bị cũng gặp khó khăn và chúng ta cần tính toán kỹ để các VĐV có thể đạt đỉnh ở 2 sự kiện quan trọng này để hướng tới việc giành huy chương” – ông Trần Đức Phấn cho chia sẻ.
Cũng theo ông Trần Đức Phấn, SEA Games 31 khác hoàn toàn so với các kỳ đại hội trước đó. Bởi vì những lần tổ chức trước chưa lần nào Đông Nam Á tổ chức tất cả các môn cũng như hết các nội dung Olympic nhưng lần này Việt Nam tổ chức hết: “Sẽ không có chuyện nước chủ nhà mạnh nội dung nào thì đưa vào thi đấu và cắt bỏ thế mạnh của các đoàn thể thao khác. Ở kỳ Đại hội này, các đoàn sẽ thi đấu sòng phẳng ở tất cả các nội dung. Do đó, việc cạnh tranh giành huy chương và thứ hạng trên bảng tổng sắp sẽ rất quyết liệt. Không có chuyện nước chủ nhà hơn các nước khác hơn tới 70 -80 HCV”.
Việc đưa các môn thể thao Olympic tổ chức ở SEA Games mang đến thể thao Việt Nam lợi thế để phát huy và gặt huy chương ở các môn trọng điểm như điền kinh, bơi hay đấu kiếm… nhưng thách thức sẽ là không nhỏ trong việc giành ngôi nhất toàn đoàn khi các nền thể thao mạnh ở khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines hay Singapore cũng có thế mạnh và nhiều môn Olympic ở đẳng cấp châu lục, thế giới.
Tuy nhiên, áp lực là không nhỏ đối với thể thao Việt Nam khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể thay đổi mọi kịch bản đề ra. Thực tế, những khó khăn của thể thao Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh đã diễn ra trong suốt 2 năm trở lại đây, khi mà nhiều giải đấu, nhiều đợt tập huấn dành cho các VĐV không diễn ra theo kế hoạch. Ngoài việc phải giữ vững thành tích, việc tổ chức các giải đấu trong thời điểm dịch bệnh diễn ra an toàn là điều bắt buộc. Theo Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh, việc đưa ra các phương án tổ chức là rất quan trọng, trong đó hình thức “bong bóng khép kín” là phương án khả quan nhất hiện nay, vừa bảo đảm duy trì hoạt động chuyên môn, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách tối đa nhất có thể.
Có thể nói rằng, năm 2022 là cơ hội để thể thao Việt Nam bứt phá lấy lại vị thế cho chính mình, trong đó SEA Games 31 là bàn đạp hướng tới thử thách lớn tại ASIAD diễn ra vào tháng 9.

 

"Chúng ta cố gắng tổ chức cho tốt một kỳ SEA Games chu đáo. Như đã nói rất nhiều lần, SEA Games lần này Việt Nam tổ chức dứt khoát không đi theo kiểu mình mạnh gì thì cố tổ chức bằng được để lấy huy chương. Chúng ta sẽ tổ chức một cách đàng hoàng." - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần